Ngày 8/2, chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan cảnh báo chất lượng không khí tại đây đã tiệm cận mức nguy hiểm. Trước đó ít ngày, Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm môi trường (PCD) nước này khuyến cáo người dân thủ đô đeo khẩu trang khi ra đường.
Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng tại Bangkok trong những tuần gần đây với việc người dân không ngừng phản ánh về tình trạng khói bụi và các vấn đề về đường hô hấp. Một số trường học đã phải đóng cửa trong ngày 8/2 hoặc buộc phải giữ các em trong các phòng học.
PCD ghi nhận trong công thức tính chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường có tới 6 thành phần gây ô nhiễm chính gồm mật độ bụi siêu nhỏ PM2.5, PM10, carbon monoxit, sulfur dioxit, nitrogen dioxit và hợp chất tropospheric ozone.
Mật độ bụi PM2.5 tại khu vực thành thị Bangkok vào lúc 12h trưa 8/2 ở mức 72-95micrograms/m3. PCD cảnh báo mật độ bụi có nguy cơ gia tăng tại tất cả các khu vực.
Con số trên vượt từ 7-9 lần mức an toàn trung bình năm tối đa không quá 10 micrograms/m3 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
PCD cũng ghi nhận chỉ số AQI tại khu vực trung tâm thủ đô Bangkok lúc 13h30 cùng ngày là 135, tương ứng mức "hại sức khỏe."
Trong khi đó, ứng dụng điện thoại thông minh AirVisual của Mỹ hiển thị chỉ số AQI tại khu vực trên là 154.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, nhiều phụ huynh cho biết một số trường quốc tế tại Bangkok thậm chí còn lắp đặt các thiết bị đo mức độ ô nhiễm không khí để có thể chủ động hạn chế nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi, tim mạch, các bệnh hô hấp cấp tính...
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ toàn cầu hiện nay, không chỉ thủ đô Bangkok, một trong những điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, mà nhiều thành phố lớn tại nhiều quốc gia khác cũng đang đối diện với thực trạng ô nhiễm chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu./.