Thái Lan: Ba đề xuất khẩn cấp để thúc đẩy kinh tế

Phòng Thương mại Thái Lan đưa ra 3 đề xuất khẩn cấp lên chính phủ nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan...

Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul. (Nguồn: Bangkok Post)
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul. (Nguồn: Bangkok Post)

Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ngày 23/8 đã đưa ra 3 đề xuất khẩn cấp lên chính phủ nước này nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan và xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng bền vững.

Theo Chủ tịch TCC Sanan Angubolkul, để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào đất nước trong thời gian ngắn, trước mắt Chính phủ Thái Lan phải đẩy nhanh giải ngân ngân sách tài khóa 2024 và hướng dẫn các cơ quan hành chính địa phương chi ngân sách để kích thích nền kinh tế địa phương.

Ông Sanan cho rằng chính phủ nên đẩy nhanh việc phân phối các khoản thanh toán phúc lợi bằng tiền mặt theo chương trình “ví số” cho những người dễ bị tổn thương và người khuyết tật là ưu tiên hàng đầu, sau đó là gói kích thích nền kinh tế 50:50 để tăng sức mua của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên cắt giảm phí điện và nhiên liệu, cắt giảm thuế đất đai và tài sản, bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, giúp đỡ những người mắc nợ tốt và cập nhật luật pháp và quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Sanan gợi ý chính phủ nên quảng bá sản phẩm Thái Lan trên nền tảng thương mại điện tử, đồng thời tăng xuất khẩu của Thái Lan thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Theo ông Sanan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan không được giảm giá sản phẩm của mình nhằm cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, vì họ không thể đánh bại chúng do quy mô nền kinh tế. Thay vào đó, các doanh nghiệp Thái Lan nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài ở Thái Lan phải sử dụng nội dung địa phương trong sản xuất và hệ thống thanh toán của họ phải chịu sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT).

Chủ tịch TCC cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ những ngành công nghiệp mới, thông qua việc thành lập các trung tâm học tập và thay đổi vai trò của giáo viên từ “trung tâm kiến thức” thành “người hỗ trợ.”

Các đề xuất nói trên được ông Sanan đưa ra khi ông dẫn đầu các thành viên hội đồng của Phòng Thương mại Thái Lan tới gặp Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra ngày 23/8 để chúc mừng bà được bổ nhiệm làm thủ tướng.

Ông Sanan tuyên bố rằng những đề xuất khẩn cấp này từ TCC sẽ giúp thúc đẩy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan tăng 3-5% mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục