Thái Bình và Quảng Ninh khẩn trương ứng phó cơn bão số 1

Để chuẩn bị ứng phó cơn bão số 1 hai tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh đã khẩn trương gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về các nơi neo đậu trú tránh an toàn.
Thái Bình và Quảng Ninh khẩn trương ứng phó cơn bão số 1 ảnh 1 Các tàu được neo đậu sát nhau để chống bão tại khu vực cột 5, thành phố Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Tại cuộc họp khẩn cấp triển khai đối phó với bão số 1 vào sáng 24/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các địa phương ven biển Tiền Hải, Thái Thụy khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, lao động tại các chòi ngao vào nơi tránh trú an toàn, đưa người tại các khu tập thể xuống cấp đến nơi an toàn trước 8 giờ ngày 24/6.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các huyện, thành phố huy động lực lượng, thủ trưởng các đơn vị trực tiếp chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ". Các địa phương khơi thông dòng chảy, tiêu úng và có phương án dự phòng trạm bơm dã chiến.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, tính đến 5 giờ 30 phút ngày 24/6 trên địa bàn đã liên lạc được 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Trong đó 1.182 phương tiện với 3.165 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, 36 phương tiện với 160 lao động hoạt động ngoài tỉnh và đã liên lạc được vào bờ.

Do mực triều thấp nên số lao động hoạt động ngoài chòi ngao chưa vào nơi an toàn, riêng huyện Tiền Hải vẫn còn 535 lao động. Hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đã di chuyển người dân sống trong đê chính, khu vực nhà yếu vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Thái Bình có 30 ha lúa đã cấy và 2.300 ha mạ gieo và khoảng 4.900 ha cây màu hè chờ thu hoạch.

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã công bố lệnh cấm ra khơi đối với tất cả các loại tàu thuyền trên vùng biển của tỉnh; yêu cầu sơ tán dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về các nơi neo đậu trú tránh an toàn.

Từ 10 giờ ngày 23/6, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát triển khai phương án phòng tránh lũ quét và sạt lở đất đá; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến ngầm tràn, các tuyến đường có nguy cơ bị ngập và trên các sông suối nơi người dân thường phải đi qua lại. Các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp phải chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn cho các thiết bị, phương tiện làm việc ở trên cao như cần cẩu ở cảng, máy rót than ở các bến…

Quảng Ninh đã thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn để giám sát công tác phòng chống bão tại các địa phương. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã nhanh chóng thành lập tổ công tác chỉ huy tại thành phố Móng Cái.

Theo Ban Chi huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 16 giờ ngày 23/6, toàn bộ 312 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đã về neo đậu tại các nơi an toàn. Đối với hơn 8.000 tàu có công suất nhỏ (dưới 90 Cv trở xuống) của tỉnh do chủ yếu khai thác gần bờ với phương thức sáng đi, tối về nên sau khi có lệnh cấm, toàn bộ số tàu này cũng đã khẩn trương về nơi trú tránh. Hơn 1.000 lồng, bè với nhiều ngàn ô lồng được người dân gia cố chằng chống, một số ít cần di chuyển về nơi an toàn, đến 18 giờ ngày 23/6, công việc này cũng cơ bản hoàn thành.

Theo báo cáo từ các địa phương của tỉnh Quảng Ninh, đến 8 giờ ngày 24/6, chưa có địa phương nào bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 1. Toàn bộ lực lượng phòng chống bão của các địa phương vẫn luôn ứng trực đủ quân số 24/24 giờ theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục