Tỉnh Thái Bình vừa quyết định tạm ứng 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp trên địa bàn vay không lãi suất trong thời hạn 3 tháng, mức cho vay không quá 3 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp để dự trữ một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Bình, cho biết chương trình bình ổn giá năm nay được triển khai từ ngày 15/12/2013 đến 15/3/2014 đối với 8 mặt hàng thiết yếu (lương thực, dầu ăn, nước mắm, mỳ chính, đường, thực phẩm đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm), với sự tham gia của 25 doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá tại 25 gian hàng tại Hội chợ Xuân Thái Bình 2013 và gần 100 điểm ở hầu khắp các huyện, hành phố, thị trấn, và siêu thị thương mại, góp phần bình ổn thị trường Tết trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán hàng Tết trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại cho khách hàng khi tham gia mua sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ nhằm thu hút số lượng lớn người dân đến mua sắm.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình này được tỉnh ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh. Quỹ này sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia chương trình lập hồ sơ vay, ký hợp đồng cho vay, giải ngân vốn, thu hồi vốn vay và hoàn trả ngân sách tỉnh theo đúng quy định.
Mỗi doanh nghiệp tham gia chương trình này cam kết không tăng giá trong trong thời gian bán hàng bình ổn nếu giá thị trường biến động tăng đến 15%. Trong trường hợp thị trường có biến động tăng trên 15% thì tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giá bán nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10%. Nếu thị trường có biến động giảm giá thì được bán theo giá thị trường.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Tài chính giám sát, kiểm tra việc mua hàng dự trữ, niêm yết giá bán các mặt hàng dự trữ của các doanh nghiệp, đảm bảo theo đúng quy định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tuấn cho biết thêm Sở Công Thương Thái Bình sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trước hết là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, để có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không được để xảy ra mất cân đối cung cầu.
Theo dự báo của Sở Công Thương, tổng doanh thu dự kiến của các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm nay của Thái Bình sẽ đạt khoảng 250 tỷ đồng./.