Thái Bình phát triển sản xuất vụ Đông, cải thiện thu nhập cho nông dân

Sau thiệt hại vụ Mùa do ảnh hưởng của bão số 3, ngành nông nghiệp Thái Bình quyết tâm sản xuất với phương châm “lấy vụ Đông bù vụ Mùa," tập trung sản xuất và mở rộng tối đa diện tích cây vụ Đông.
Người dân xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, chăm sóc rau màu vụ Đông. (Nguồn: Vietnam+)

Nhiều năm qua, vụ Đông luôn được xác định là một trong 3 vụ sản xuất chính trong năm tại Thái Bình. Vụ Đông có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng và cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Không chỉ nổi bật về diện tích gieo trồng mà những năm gần đây, Thái Bình chủ động tìm kiếm, áp dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất cây trồng.

Sau thiệt hại vụ Mùa do ảnh hưởng của bão số 3, vụ Đông năm nay, ngành nông nghiệp Thái Bình quyết tâm sản xuất với phương châm “lấy vụ Đông bù vụ Mùa," tập trung cao độ cho sản xuất và mở rộng tối đa diện tích cây vụ Đông, phấn đấu gieo trồng hơn 40.000ha cây màu, qua đó tăng giá trị cho ngành trồng trọt.

Về thủ phủ rau màu lớn nhất của tỉnh Thái Bình - xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, không khó để bắt gặp những thửa ruộng trồng rau xanh mướt, được trồng chuyên canh theo các mô hình canh tác công nghệ cao, quy mô mẫu lớn.

Xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, thủ phủ rau màu lớn nhất của tỉnh Thái Bình. (Nguồn: Vietnam+)

Ông Đỗ Công Chuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) cho biết toàn xã hiện có 1.700 hộ (chiếm trên 80% tổng số hộ của xã) canh tác tại 220ha diện tích.

Nhờ trình độ thâm canh cao cùng truyền thống và kinh nghiệm tích lũy từ việc sản xuất rau màu lâu đời, những năm qua, nông dân xã Quỳnh Hải đã biến các cánh đồng thành thủ phủ sản xuất rau màu trọng điểm của tỉnh Thái Bình với đa dạng các loại rau màu như cần tây, tỏi tây, su hào, bắp cải, cải ngọt, bí, đỗ, hành lá, thì là..., mang lại giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần, trung bình 1,2 tỷ đồng/ha/năm.

Xã Vũ An, huyện Kiến Xương là một trong những xã điển hình về sản xuất vụ Đông ở tỉnh Thái Bình, nhất là cây khoai tây. Năm nay, xã phấn đấu gieo trồng hơn 140ha cây màu; trong đó có 80ha cây khoai tây, 10ha cây khoai lang, còn lại là diện tích trồng cây bí xanh và rau màu các loại.

Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Vũ An, huyện Kiến Xương cho biết nhờ có định hướng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên giá trị sản xuất cây vụ Đông ưa lạnh tại địa phương luôn có giá trị kinh tế cao. Bình quân đạt từ 3,5-4,5 triệu đồng/sào/vụ; cao hơn nhiều lần so cấy lúa.

Còn tại Vũ Thư, năm nay, huyện này phấn đấu gieo trồng 5.200ha diện tích cây vụ Đông. Ông Bùi Gia Khánh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư, cho biết cơ cấu cây trồng vụ Đông năm nay của huyện đa dạng và tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa bí, rau các loại, khoai lang, khoai tây, ngô.

Xã Vũ An, huyện Kiến Xương là một trong những xã điển hình về sản xuất vụ Đông ở tỉnh Thái Bình. (Nguồn: Vietnam+)

Để hoàn thành kế hoạch gieo trồng 5.200ha, huyện Vũ Thư đang tập trung chỉ đạo các xã đẩy mạnh việc gieo trồng trên diện tích còn lại. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đang tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm vụ Đông.

Huyện cũng đặt mục tiêu tăng cường các giải pháp canh tác hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất, bảo vệ môi trường và bảo đảm sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, cho biết để động viên, khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích sản xuất vụ Đông, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2024.

Chủng loại cây trồng được tỉnh Thái Bình hỗ trợ theo quyết định mở rộng hơn so với năm 2023, gồm: ngô, khoai tây, đậu tương, khoai lang, bí xanh, bí ngô.

Các huyện, thành phố có diện tích sản xuất các cây trồng vụ Đông năm 2024 cao hơn diện tích các cây này tương ứng ở vụ Đông năm 2023 theo số liệu của Cục Thống kê được hỗ trợ 500.000 đồng/ha…

Cùng với đó, tỉnh Thái Bình đã tập trung tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, kiểm soát sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch, giúp nông dân áp dụng những phương pháp sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí; đồng thời, tăng cường tổ chức các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định giá cả và tránh tình trạng “được mùa mất giá."

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nga, sản xuất vụ Đông không chỉ là một hoạt động sản xuất theo mùa mà đã trở thành một chiến lược phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh Thái Bình. Việc gia tăng diện tích cây vụ Đông cho thấy xu hướng phát triển tích cực trong cơ cấu cây trồng, không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần tạo nên một nền nông nghiệp bền vững.

Với những thành công và lợi ích mang lại, vụ Đông đang ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Thái Bình. Vụ Đông năm 2023, tỉnh Thái Bình gieo trồng hơn 37.200ha, đạt giá trị sản xuất 5.176 tỷ đồng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục