Ngày 28/5, tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình đã long trọng tổ chức Lễ động thổ xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân.”
Dự buổi lễ có các đồng chí đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình và đông đảo nhân dân trên địa bàn.
Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” được xây dựng hài hòa với không gian, cảnh quan Quảng trường Thái Bình và Công viên sinh thái với diện tích gần 92ha, có 5 ngọn núi, độ cao từ 17 đến 27 mét và Đền thờ Bác hồ cùng với các công trình Nhà triển lãm, Nhà Bảo tàng, hồ nước, hệ thống giao thông và cây xanh.
Quảng trường và Công viên sinh thái được kết nối tuyến đường phía Nam, qua sông Trà Lý nối với Quốc lộ 10 và hệ thống giao thông thành phố Thái Bình.
Địa điểm xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” đã đáp ứng được yêu cầu cả về quy hoạch hiện tại và các yêu cầu về diện tích, cảnh quan, giao thông... trong định hướng tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định tượng đài “Bác Hồ với nông dân” là công trình có giá trị văn hóa, chính trị sâu sắc, khắc sâu tình cảm của nhân dân cả nước nói chung, của nhân dân tỉnh Thái Bình nói riêng với Bác Hồ kính yêu.
Việc xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” là niềm vui, sự phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.
Công trình khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn quan trọng về không gian kiến trúc đô thị của thành phố Thái Bình; đồng thời là trung tâm văn hóa, thu hút du khách tham quan, tạo tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị của địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu chủ dự án, đơn vị tư vấn, thi công tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảo bảo mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai xây dựng; Chủ đầu tư giám sát đơn vị thi công để công trình được xây dựng đúng thiết kế, có chất lượng đảm bảo, hoàn thành đúng lộ trình thời gian.
Thái Bình là tỉnh vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, những lần Bác về thăm, Bác đều biểu dương thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của tỉnh trong các cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt, giặc lụt, giặc ngoại xâm và làm nên mốc son 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc.
Thái Bình còn là vùng quê có phong trào cách mạng của nông dân phát triển sớm nhất trong cả nước, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nông dân Tiên Hưng-Duyên Hà ngày tháng 5/1930 và cuộc khởi nghĩa gắn với tiếng trống năm 1930 của nông dân Tiền Hải vào tháng 10/1930.
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Thái Bình còn là tỉnh đi đầu trong phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người," đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng./.