Nhiều năm trở lại đây, Thái Bình là một trong những tỉnh được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ y tế.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra cho ngành y tế địa phương một định hướng lớn, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở y tế từng bước hiện đại, đồng bộ, đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa giữa khám, chữa bệnh với y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; hướng tới đưa Thái Bình trở thành trung tâm y tế chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
Năm 2023 đánh dấu bước tiến mới trong kỹ thuật ngoại khoa của Bệnh viện Nhi Thái Bình khi lần đầu tiên, cơ sở y tế này thực hiện thành công phẫu thuật tim hở. Đây là kỹ thuật khó, phức tạp, đòi hỏi trình độ tay nghề cao của đội ngũ y bác sỹ, song với sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã từng bước làm chủ được kỹ thuật này, mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nhi đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này 38 tháng tuổi với chẩn đoán tim bẩm sinh thông liên thất phần màng lan dưới van chủ. Ca bệnh được đánh giá thành công sau gần 5 giờ phẫu thuật.
Chị Bùi Thị Như Hoa (xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng) chia sẻ thay vì phải lên bệnh viện tuyến trên để thực hiện phẫu thuật thì nay con chị đã được mổ ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này có ý nghĩa lớn với gia đình chị khi tiết kiệm được thời gian cũng như các chi phí chăm sóc, đi lại.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của cháu bé hiện phát triển tốt. Đây là niềm vui lớn của gia đình sau hơn 3 năm cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình, cho biết hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho trẻ em, năm 2023, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới cả ở lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó đặc biệt là kỹ thuật phẫu thuật tim hở.
Để thực hiện được kỹ thuật này, bệnh viện đã ưu tiên đầu tư gần 30 tỷ đồng cho trang thiết bị máy móc, đồng thời cử các cán bộ đi đào tạo tại bệnh viện tuyến trên.
Hiện, bệnh viện đã có phòng phẫu thuật tim mạch và phòng hồi sức sau mổ tim đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phẫu thuật cho nhiều trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh thời gian tới.
Còn với các các y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình, ca mổ lấy thai của sản phụ Bazanye Carol (33 tuổi, quốc tịch Uganda) tháng 12/2022 vẫn là một ca khó quên. Thai phụ vỡ ối sớm, lại ở nơi đất khách nên gặp không ít khó khăn.
Nhờ sự tận tình của các y bác sỹ, kíp trực nhanh chóng thăm khám, hội chẩn và quyết định ngay mổ lấy thai, điều trị hậu phẫu cho người phụ nữ này. Em bé Mircale nặng hơn 3kg đã chào đời khỏe mạnh bên vòng tay yêu thương chăm sóc của các y bác sỹ, điều dưỡng bệnh viện.
Cảm động trước sự chăm sóc, hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ, y bác sỹ trong những ngày mẹ con chị lưu trú tại bệnh viện, ngày 5/12/2022, gia đình chị Bazanye Carol gửi đến tập thể bệnh viện bức thư ngắn đầy xúc động: “Cảm ơn các bạn đã cho cho chúng tôi thấy trái tim của mình tử tế và đẹp đẽ đến nhường nào. Chúng tôi thực sự rất may mắn khi gặp được những người với tấm lòng nhân hậu và tràn đầy yêu thương như vậy."
Đây chỉ là 2 trong số nhiều câu chuyện tiêu biểu, điển hình của ngành y tế tỉnh Thái Bình thời gian qua, thể hiện sự đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như dịch vụ y tế, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân tại các cơ sở y tế tỉnh Thái Bình.
Tăng đầu tư cho y tế
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 32 bệnh viện, trong đó có 21 bệnh viện công lập (9 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 12 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố), 9 bệnh viện tư nhân và 2 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình.
Ngoài ra, tỉnh có gần 700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; 15 đơn vị hệ dự phòng và trung tâm chuyên khoa, 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tổng số giường bệnh là 7.867 giường, đạt 40,3 giường bệnh/10.000 dân.
Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, cho biết với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ để đổi mới và phát triển, thời gian qua các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nỗ lực đầu tư để triển khai các kỹ thuật theo phân tuyến; trung bình thực hiện 30 kỹ thuật mới/bệnh viện.
Phát huy kết quả này, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ y tế, tỉnh Thái Bình đã thông qua Đề án “Phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2024-2028," trong đó trọng tâm triển khai 88 kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác dự phòng bệnh tật; 71 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh với nhiều kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến đối tượng là trẻ em.
Việc triển khai kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu có ý nghĩa quan trọng giúp địa phương dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, khám phát hiện và điều trị tích cực, hiệu quả các bệnh lý khó, nguy hiểm ngay tại tuyến tỉnh; giảm quá tải cho hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cũng như giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương.
Người dân địa phương được thụ hưởng các dịch vụ y tế dự phòng, khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại tỉnh, tiết kiệm được thời gian cũng như kinh phí trong khám chữa bệnh. Đây cũng là giải pháp trọng tâm của ngành y tế Thái Bình nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu của các cơ sở y tế trong tỉnh, từ đó tiếp tục thu hút thêm nhiều người dân tỉnh ngoài đến khám chữa bệnh tại Thái Bình.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng xây dựng lộ trình đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng mở rộng quy mô khám chữa bệnh cho 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Mắt từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương. Ước tính tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2024-2028 là 1.000 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, xây dựng và phát triển các cơ sở khám chữa bệnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đến năm 2050, tỉnh đầu tư mở rộng, phát triển cơ sở hạ tầng y tế đạt các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia và tiếp cận các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đầu tư mới các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; thành lập mới Bệnh viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Thận, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình... Tiếp tục nâng cấp, phát triển các cơ sở y tế tại khu Trung tâm y tế tỉnh đặc biệt là phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng đặc biệt tại cơ sở mới.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đảm bảo mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 Bệnh viện Đa khoa tư nhân và thành lập mới các Bệnh viện chuyên khoa tư nhân. Phấn đấu đến năm 2050, toàn tỉnh đạt 50-55 giường bệnh/10.000 dân.
Cùng với những định hướng này và bộ giải pháp địa phương đã và đang thực hiện, kỳ vọng y tế Thái Bình sẽ từng bước xây dựng và khẳng định vị thế là trung tâm y tế chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Hồng như Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Chuyển đổi số để tạo điều kiện cho dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chuyển đổi số sẽ phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế được rõ ràng, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu nhanh chóng và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.