Thái Bình hồi sinh làng nghề dệt đũi Nam Cao gắn với du lịch cộng đồng

Năm 2024, làng nghề đón gần 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm - một con số chưa từng có ở làng nghề có tuổi đời 400 năm này, trong đó có khoảng 10.000 khách quốc tế.
Học sinh trường liên cấp The Dewey Schools (Hà Nội) tham quan, trải nghiệm tại làng nghề làng dệt đũi Nam Cao tại xã Thống Nhất (Kiến Xương, Thái Bình). (Ảnh: Đức Anh/TTXVN)

Khác hẳn không khí trầm lắng trước kia, về làng dệt đũi Nam Cao (nay là xã Thống Nhất, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) những ngày này không chỉ có tiếng máy vang rền từ các hộ sản xuất, những người thợ lành nghề cần mẫn kéo sợi tơ vàng óng mà còn có nhiều du khách từ các nơi về thăm quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống có tuổi đời 400 năm.

Để có được thành quả đó là những nỗ lực trong hơn 10 năm với hành trình “hồi sinh” kỳ diệu làng nghề tưởng chừng đã bị lãng quên.

Nhắc đến dệt đũi không thể không nhắc tới đũi Nam Cao. Thời kỳ đỉnh cao, sản phẩm làng nghề được ưa chuộng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với hàng triệu mét vải mỗi năm. Tuy vậy, những năm thập kỷ 90 đến khoảng năm 2010, làng nghề Nam Cao hoạt động cầm chừng do thị trường bị thu hẹp, sản phẩm không cạnh tranh được với vải vóc, quần áo may công nghiệp.

Nhiều thợ dệt Nam Cao chuyển sang làm những việc khác mang lại thu nhập cao hơn. Làng nghề từng nổi danh một thời trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết, từ cả làng, cả xã làm nghề thì chỉ còn vài hộ duy trì giữ nghề.

Dù không phải người dân gốc Nam Cao, nhưng bằng tình yêu với những sản phẩm mộc mạc của thôn quê, chị Lương Thanh Hạnh (sinh năm 1985) đã quyết định từ bỏ công việc làm nội thất, trang trí ở thành phố lớn, thu nhập cao để đến Thái Bình khởi nghiệp từ con số 0, từng bước xây dựng thương hiệu Hạnh Silk và thực hiện các dự án “hồi sinh” nghề dệt đũi Nam Cao thông qua hình thành chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Làng nghề dệt đũi Nam Cao với tuổi đời hàng trăm năm đang hồi sinh trở lại sau thời gian trầm lắng. (Ảnh: Đức Anh/TTXVN)

Chị Lương Thanh Hạnh cho biết các sản phẩm lụa, đũi của Việt Nam luôn được thị trường quốc tế ưa chuộng. Vì vậy, cùng với các nghệ nhân của làng nghề, chị mong muốn “hồi sinh” thương hiệu làng dệt đũi Nam Cao để “định vị” với quốc tế khi nhắc đến lụa, đũi là nhắc đến Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng.

Điều đáng mừng là từ chỗ chỉ còn 3-4 hộ sản xuất thì nay nhiều hộ đã quay lại với nghề truyền thống.

Hiện Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao có gần 300 thành viên với khoảng 500 loại sản phẩm khác nhau cung ứng cho thị trường, trong đó xuất khẩu tại 20 nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Italy, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều nước Trung Đông khác, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, cuối năm nay, lần đầu tiên bộ sưu tập đũi Nam Cao sẽ xuất hiện tại sân khấu thời trang Milan (Italia).

Đây không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn là sự tự hào của người dân Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) trong việc “hồi sinh” làng nghề truyền thống tưởng chừng đã bị mai một, lãng quên.

Là một trong số những nghệ nhân của làng dệt đũi Nam Cao, bà Hoàng Thị Hương chứng kiến đủ những vui-buồn của ngôi làng này. Từ khi Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao được thành lập, làng nghề đã sôi động hẳn lên khiến những Nghệ nhân như bà rất phấn khởi vì vừa giữ gìn được nghề truyền thống của cha ông vừa có thêm thu nhập trung bình từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao Lương Thanh Hạnh chia sẻ, để bảo tồn và phát triển di sản nghề dệt đũi, Hợp tác xã định hướng sản xuất xanh, bảo vệ môi trường trong đó áp dụng kỹ thuật nhuộm vải tự nhiên từ cây, quả, củ.

Năm 2024 làng nghề đón gần 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm - một con số chưa từng có ở làng nghề có tuổi đời 400 năm này, trong đó có khoảng 10.000 khách quốc tế đã biết đến làng dệt đũi Nam Cao-Thái Bình.

Sản phẩm của Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đã được xuất đi 20 nước trên thế giới với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Đức Anh/TTXVN)

Hứng thú cùng bạn bè trải nghiệm tại làng nghề dệt đũi Nam Cao vào ngày cuối tuần, em Nguyễn Linh Chi, học sinh lớp 6 trường liên cấp The Dewey Schools (Hà Nội) chia sẻ buổi trải nghiệm tại làng nghề rất đặc biệt và thú vị.

Tại đây, Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao hướng dẫn các em học sinh trải nghiệm thực tế các khâu từ kéo sợi, xe sợi, đánh suốt đến dệt và nhuộm vải, nhất là được tự vẽ và nhuộm hoàn thiện một chiếc khăn. Đây sẽ là món quà đặc biệt em dành tặng người thân sau chuyến đi ý nghĩa này.

Năm 2023 nghề dệt đũi Nam Cao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để phát huy giá trị di sản cũng như bảo tồn, phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã quy hoạch diện tích 4,5ha; dự kiến sau khi hoàn thành, số lượng du khách tới thăm quan sẽ gấp 3-5 lần, qua đó tạo giá trị bền vững trong phát triển làng nghề truyền thống dệt đũi Nam Cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục