Thái Bình: Đảm bảo an ninh xã hội từ tín dụng chính sách xã hội

Hoạt động tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã góp phần tích cực giúp trên 111.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm trên 61.000 lao động...

Nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trần Ngọc Trà (thôn Hải Long, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải) đã đầu tư phát triển kinh tế, thành công với mô hình nuôi vịt biển. (Ảnh: Thu Hoài/Vietnam+)
Nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trần Ngọc Trà (thôn Hải Long, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải) đã đầu tư phát triển kinh tế, thành công với mô hình nuôi vịt biển. (Ảnh: Thu Hoài/Vietnam+)

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tại Thái Bình, thời gian qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã triển khai hiệu quả Chỉ thị này, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Xã Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) có không ít nông dân đã vươn lên làm giàu với giống vịt biển 15 Đại Xuyên, trong đó tiêu biểu là Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long.

Anh Trà chia sẻ tận dụng lợi thế của địa phương, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình hỗ trợ giống vịt biển 15 Đại Xuyên cho nông dân xã để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ cùng với số tiền 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trà có thêm nguồn vốn để phát triển mô hình sản xuất của gia đình.

Từ mô hình thử nghiệm chỉ vài chục con, đến nay đàn vịt biển của anh đã phát triển lên 800 con. Anh cũng là một trong những hộ điển hình tham gia Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên với sản phẩm trứng vịt biển Đông Xuyên đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, anh Trà còn kết hợp nuôi tôm, cá… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Anh Trà cho biết với người nông dân khó khăn nhất là nguồn vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm với lãi suất 7,92%/năm, tương đương lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, như “cần câu” giúp anh Trà giải quyết một phần khó khăn về nguồn vốn cũng như giảm áp lực từ việc vay vốn bằng lãi suất ưu đãi, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Là một trong những đại điền trẻ nhất của tỉnh Thái Bình, anh Phan Quốc Cường, 27 tuổi, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, hiện đã tích tụ gần 50 mẫu ruộng của nông dân để canh tác lúa. Thông qua chương trình vay vốn giải quyết việc làm và vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền vay 120 triệu đồng, anh Cường đã đầu tư công trình nước sạch phục vụ gia đình và mua thêm máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, mô hình canh tác lúa kết hợp chăn nuôi bê, bò thương phẩm của anh Cường cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.

Bà Trần Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Xương, cho biết với đặc trưng hoạt động riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội là “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã,” tại các điểm giao dịch xã trong hệ thống Ngân hàng Chính sách đều thực hiện niêm yết công khai chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng ưu đãi, cũng như các nội quy, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, danh sách người vay vốn, hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân được biết, kiểm tra, giám sát.

vnp_thai binh chinh sach xa hoi1.jpg
Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phan Quốc Cường, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, đã đầu tư máy móc, phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. (Ảnh: Hải Bình/Vietnam+)

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình, đến ngày 30/4 vừa qua, tổng nguồn vốn trên địa bàn đạt trên 4.400 tỷ đồng (tăng 2.336 tỷ đồng so với năm 2014). Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt trên 1.800 tỷ đồng (chiếm 40,61% tổng dư nợ, tăng trên 1.000 tỷ đồng so với năm 2014); dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt trên 2.635 tỷ đồng (chiếm 59,39% tổng dư nợ, tăng gần 1.300 tỷ đồng so với năm 2014).

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với tỷ lệ trên 92%. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao; có 179/260 xã; 1.585/2.705 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn.

Ông Lê Hải Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình, cho biết qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Hoạt động tín dụng chính sách tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã góp phần tích cực giúp trên 111.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm trên 61.000 lao động; giúp 121.630 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trang trải chi phí học tập. Bên cạnh đó, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay xây dựng trên 464.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 5.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…

Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức quản lý thông qua việc ủy thác 4 tổ chức chính trị-xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Với phương thức này, các tổ chức chính trị-xã hội đã phát huy được thế mạnh, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách cũng như các hoạt động thành lập, quản lý giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương.

Đến 30/4 vừa qua, 4 tổ chức chính trị-xã hội đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý trên 97.400 khách hàng vay vốn với tổng số tiền trên 4.400 tỷ đồng; trong đó nhiều nhất là dư nợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ với trên 1.869 tỷ đồng, tăng 1.015 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 42,17% tổng dư nợ ủy thác.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết thời gian tới, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND, tổ chức chính trị-xã hội các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, góp phần mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo minh bạch, chặt chẽ, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, tổ chức được tiếp cận với nguồn vốn vay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nhân viên ngân hàng Công thương kiểm đếm đồng Nhân dân tệ tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản

Trung Quốc quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,1%, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ đồng nhân dân tệ đang suy yếu.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoãn tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, một phản ứng thận trọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tháng 1/2025.