Thái Bình: Chính thức Khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016

Sáng 11/2 (ngày mồng 4 Tết) , lễ khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016 và khai chỉ mở cửa đền Thánh đã được tổ chức tại Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Thái Bình: Chính thức Khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016 ảnh 1Nấu cơm thi - một nét đặc trưng tại lễ hội chùa Keo. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Sáng 11/2 (tức ngày mồng 4 Tết Bính Thân năm 2016), tại di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Duy Nhất đã tổ chức Khai hội chùa Keo mùa Xuân năm 2016, đồng thời khai chỉ mở cửa đền Thánh năm 2016.

Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng Chùa; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của di tích cho du khách thập phương; xây dựng ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Hội xuân chùa Keo năm 2016 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng như nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; Thi chạy việt dã; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.

Ông Trần Huy Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vũ Thư cho biết công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trước, trong và sau lễ hội được chính quyền các cấp quan tâm, có kế hoạch thực hiện chu đáo. Công tác phòng chống cháy nổ đảm bảo an toàn cho du khách, khuôn viên di tích, khu nội tự được Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm.

Chùa Keo (tên chữ là Thần Quang Tự), gồm 2 cụm kiến trúc như chùa, nơi thờ Phật và Đền thánh thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng Chùa. Thiền sư Dương Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nối đời làm nghề đánh cá.

Năm 29 tuổi ông đi tu. Năm 1060, ông sang Tây Trúc tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tiền thân của chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.

Do đã từng chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Thánh Tông nên ông được Vua phong làm Quốc sư triều Lý. Năm 1611, do sông Hồng bị sạt lở, một trận lũ lớn đã cuốn trôi ngôi chùa này. Năm 1632, chùa được xây dựng lại.

Trải qua gần 400 năm, đến nay chùa Keo vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc, cấu trúc độc đáo, đặc sắc có từ thế kỷ 17. Tổng thể chùa Keo hiện có 17 công trình với 128 gian. Nổi bật trong khuôn viên chùa Keo là những công trình kiến trúc như: Tam quan, Chùa Phật, Điện Thánh, gác chuông, tòa giải vũ, khu tăng xá, vườn tháp…

Năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: Hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và Hội mùa Thu (lễ hội chính), từ ngày 13 đến ngày 15/9 (âm lịch).

Hội chùa Keo mùa Xuân 2016 diễn ra trong vòng 1 ngày (11/2). Các hoạt động tế lễ vẫn được Ban trị sự chùa Keo thực hiện trong nhiều ngày sau nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái đầu năm của du khách, tăng ni, phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục