Tối 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chứng kiến Lễ công bố hợp tác chiến lược của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai) và Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO).
THACO chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai để đầu tư vào hai công ty là Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Công ty Nông nghiệp HNG) và Công ty Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.
Đối với Công ty Nông nghiệp HNG, thông qua hợp đồng mua bán trái phiếu chuyển đổi, THACO và nhóm cổ đông của THACO sở hữu 35% cổ phần HNG với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai Myanmar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HNG, THACO sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty với tổng vốn đầu tư tiếp ước khoảng 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, THACO và Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam và vui mừng chứng kiến thỏa thuận hợp tác giữa một doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu với một mô hình nông nghiệp quy mô lớn; sự hợp tác giữa hai lãnh đạo doanh nghiệp có khát vọng, muốn chung tay, góp sức cho nền nông nghiệp, công nghiệp của Việt Nam, Lào và Camphuchia.
[Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp: Đi tìm cách tiếp cận hợp lý]
Với tiềm lực tài chính, năng lực, công nghệ, Thủ tướng tin tưởng thỏa thuận sẽ cụ thể hóa giấc mơ hiện đại hóa nông nghiệp của các doanh nghiệp nói riêng và của ngành nông nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung.
Thủ tướng chia sẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã đối mặt với tình trạng hạn hán, ngập mặn nghiêm trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân và ngành nông nghiệp. Nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm trước đây có tồn tại lớn của tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa," nền nông nghiệp năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, đời sống người nông dân còn nhiều bấp bênh. Vị thế nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu chưa tương xứng với những lợi thế tự nhiên. Quy mô nông nghiệp đóng góp vào GDP dưới mức tiềm năng; chất lượng, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, nông nghiệp của Việt Nam đã có vị thế tốt. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả.
"Thay vì cách giải cứu truyền thống như kêu gọi mọi người mua thanh long, dưa hấu khi rớt giá thì hôm nay chúng ta cùng nhau thúc đẩy xu hướng căn cơ hơn là các nhà doanh nghiệp với tiềm lực lớn trực tiếp tham gia góp vốn đầu tư tâm sức, công nghệ và trình độ quản trị góp phần thay đổi nền nông nghiệp nói chung. Đây cũng là niềm cảm hứng mới cho doanh nghiệp trong nước đổi mới, sát nhập, hợp tác cùng phát triển," Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh các chiến lược hành động, những chủ trương, nghị quyết ở tầm vĩ mô cần sự hưởng ứng của khu vực tư nhân, các tập đoàn lớn, Thủ tướng mong muốn thỏa thuận này không chỉ thiết lập hình mẫu về ứng dụng công nghệ tiến tiến trong nông nghiệp, mà còn là cùng kiến tạo xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhiều hơn về nông nghiệp, mở rộng sân chơi, mời gọi những doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển nông nghiệp.
Cũng với sự thỏa thuận hợp tác này, Thủ tướng mong muốn kéo ba ngành nông nghiệp của Việt Nam, Lào, Campuchia xích lại gần nhau, bổ sung, cộng hưởng cho nhau, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân ba nước.
Cũng tại buổi lễ, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Anh Gia Lai và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty THACO đã trao hỗ trợ cho nhân dân Lào bị ảnh hưởng trong sự cố vỡ đập vừa qua./.
TP.HCM mong Nhật tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt, với kinh nghiệm của mình, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao.