Tiếng Pháp luôn được coi trọng tại Việt Nam dù đây là môn học khó và phải chịu sự cạnh tranh rất lớn của tiếng Anh.
Trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Pháp ngữ, ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và một số đối tác Pháp ngữ tổ chức hội thảo "Thị trường việc làm Pháp ngữ tại Việt Nam: Thách thức và triển vọng."
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức OIF về quan hệ Việt Nam-Pháp ngữ cho biết hội thảo nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ các cử nhân trẻ Việt Nam biết tiếng Pháp hội nhập tốt hơn vào thị trường việc làm hiện nay.
Đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức OIF, bà Anissa Barrak cho biết, theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 60.000 học sinh học tiếng Pháp, trong đó 11.000 học sinh theo học lớp song ngữ, gần 20.000 sinh viên theo học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại hơn 45 cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng.
Bà Anissa Barrak cho rằng, nếu coi một ngoại ngữ như một "công cụ sản xuất" thuần túy là bỏ sót mất một chức năng khác quan trọng hơn trên phương diện hoạt động nghề nghiệp. Đó là một phương tiện nâng cao năng lực, nuôi dưỡng sáng tạo, tiếp cận các thị trường mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các cơ quan hữu quan Việt Nam, các diễn giả của OIF, doanh nghiệp Pháp đã tập trung thảo luận về những biện pháp hỗ trợ thanh niên tìm việc làm có sử dụng tiếng Pháp; những thách thức và cơ hội việc làm cho những người có sử dụng tiếng Pháp...
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thị trường lao động tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Nhìn chung, việc giảng dạy tiếng Pháp không chỉ mang lại cho sinh viên tốt nghiệp đại học lợi ích về trình độ ngôn ngữ, mà còn giúp các sinh viên sử dụng tiếng Pháp làm phương tiện tiếp cận học hỏi các kỹ năng nghề nghiệp phục vụ nhu cầu về nghề trong tương lai.
Các đại biểu cũng cho rằng, một trong những thách thức của việc giảng dạy và trong vấn đề hướng nghiệp đối với những ngành nghề, lĩnh vực có ưu tiên sử dụng tiếng Pháp hiện nay tại Việt Nam là sự cạnh tranh của tiếng Anh quá lớn. Trong khi đó việc học tiếng Pháp thường được coi là khó.
Tuy nhiên, tiếng Pháp đã khẳng định được vị trí nhất định và được xã hội nhìn nhận, đánh giá cao. Hiện nay có khoảng 6.000 sinh viên, học sinh Việt Nam theo học ở các nước trong cộng đồng Pháp ngữ như Pháp, Bỉ, Canada, Thụy Sĩ, Morocco... Hầu hết các em đều có thành tích tốt trong học tập và đạt được thành công đáng kể.
Tại Việt Nam, các trường hiện nay rất nhạy bén trong lĩnh vực tìm kiếm thị trường lao động cho sinh viên ra trường bằng cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Một số trường ngoài đào tạo tiếng Pháp còn đào tạo thêm các chuyên ngành khác như: du lịch, kinh tế, luật..., đặc biệt là mô hình các trường liên kết.
Một phần không thể thiếu trong đó là sinh viên những trường có đào tạo tiếng Pháp đều là sinh viên song ngữ, thậm chí ba ngoại ngữ.
Môn tiếng Pháp đã được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc dân từ nhiều năm nay. Kể từ năm 1994 đến nay, việc giảng dạy tiếng Pháp đã được đa dạng hóa với sự xuất hiện của chương trình tiếng Pháp song ngữ và tiếng Pháp ngoại ngữ 2.
Bên cạnh 65 chuyên khoa đại học Pháp ngữ nằm trong khuôn khổ hợp tác Pháp ngữ đa phương và song phương, tại Việt Nam còn tồn tại các hình thức liên kết đào tạo bậc đại học và sau đại học giữa Việt Nam và các đối tác Pháp ngữ (chủ yếu là Pháp và Bỉ) hết sức đa dạng, phong phú.
Nhìn chung các chương trình liên kết đào tạo có sức hút lớn đối với người học, nhất là các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, quản lý...
Ngoài hệ thống giáo dục quốc dân, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Huế, Trung tâm IDECAF tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tiếng Pháp chuyên ngành CFC còn tổ chức các lớp học tiếng Pháp chuyên ngành cho những học viên có nhu cầu sử dụng tiếng Pháp trong học tập, nghiên cứu hay công tác của mình./.
Trong khuôn khổ Ngày Quốc tế Pháp ngữ, ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và một số đối tác Pháp ngữ tổ chức hội thảo "Thị trường việc làm Pháp ngữ tại Việt Nam: Thách thức và triển vọng."
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại diện quốc gia bên cạnh Tổ chức OIF về quan hệ Việt Nam-Pháp ngữ cho biết hội thảo nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ các cử nhân trẻ Việt Nam biết tiếng Pháp hội nhập tốt hơn vào thị trường việc làm hiện nay.
Đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức OIF, bà Anissa Barrak cho biết, theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 60.000 học sinh học tiếng Pháp, trong đó 11.000 học sinh theo học lớp song ngữ, gần 20.000 sinh viên theo học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại hơn 45 cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng.
Bà Anissa Barrak cho rằng, nếu coi một ngoại ngữ như một "công cụ sản xuất" thuần túy là bỏ sót mất một chức năng khác quan trọng hơn trên phương diện hoạt động nghề nghiệp. Đó là một phương tiện nâng cao năng lực, nuôi dưỡng sáng tạo, tiếp cận các thị trường mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các cơ quan hữu quan Việt Nam, các diễn giả của OIF, doanh nghiệp Pháp đã tập trung thảo luận về những biện pháp hỗ trợ thanh niên tìm việc làm có sử dụng tiếng Pháp; những thách thức và cơ hội việc làm cho những người có sử dụng tiếng Pháp...
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thị trường lao động tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Nhìn chung, việc giảng dạy tiếng Pháp không chỉ mang lại cho sinh viên tốt nghiệp đại học lợi ích về trình độ ngôn ngữ, mà còn giúp các sinh viên sử dụng tiếng Pháp làm phương tiện tiếp cận học hỏi các kỹ năng nghề nghiệp phục vụ nhu cầu về nghề trong tương lai.
Các đại biểu cũng cho rằng, một trong những thách thức của việc giảng dạy và trong vấn đề hướng nghiệp đối với những ngành nghề, lĩnh vực có ưu tiên sử dụng tiếng Pháp hiện nay tại Việt Nam là sự cạnh tranh của tiếng Anh quá lớn. Trong khi đó việc học tiếng Pháp thường được coi là khó.
Tuy nhiên, tiếng Pháp đã khẳng định được vị trí nhất định và được xã hội nhìn nhận, đánh giá cao. Hiện nay có khoảng 6.000 sinh viên, học sinh Việt Nam theo học ở các nước trong cộng đồng Pháp ngữ như Pháp, Bỉ, Canada, Thụy Sĩ, Morocco... Hầu hết các em đều có thành tích tốt trong học tập và đạt được thành công đáng kể.
Tại Việt Nam, các trường hiện nay rất nhạy bén trong lĩnh vực tìm kiếm thị trường lao động cho sinh viên ra trường bằng cách đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Một số trường ngoài đào tạo tiếng Pháp còn đào tạo thêm các chuyên ngành khác như: du lịch, kinh tế, luật..., đặc biệt là mô hình các trường liên kết.
Một phần không thể thiếu trong đó là sinh viên những trường có đào tạo tiếng Pháp đều là sinh viên song ngữ, thậm chí ba ngoại ngữ.
Môn tiếng Pháp đã được chính thức đưa vào chương trình giáo dục quốc dân từ nhiều năm nay. Kể từ năm 1994 đến nay, việc giảng dạy tiếng Pháp đã được đa dạng hóa với sự xuất hiện của chương trình tiếng Pháp song ngữ và tiếng Pháp ngoại ngữ 2.
Bên cạnh 65 chuyên khoa đại học Pháp ngữ nằm trong khuôn khổ hợp tác Pháp ngữ đa phương và song phương, tại Việt Nam còn tồn tại các hình thức liên kết đào tạo bậc đại học và sau đại học giữa Việt Nam và các đối tác Pháp ngữ (chủ yếu là Pháp và Bỉ) hết sức đa dạng, phong phú.
Nhìn chung các chương trình liên kết đào tạo có sức hút lớn đối với người học, nhất là các chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, quản lý...
Ngoài hệ thống giáo dục quốc dân, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Huế, Trung tâm IDECAF tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tiếng Pháp chuyên ngành CFC còn tổ chức các lớp học tiếng Pháp chuyên ngành cho những học viên có nhu cầu sử dụng tiếng Pháp trong học tập, nghiên cứu hay công tác của mình./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN)