Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, qua 4 kịch bản trong năm tới vẫn đảm bảo đủ điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023 thách thức là rất lớn.
Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng năm 2019 rất cần những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các đối tượng đầu tư, để triển khai các dự án đầu tư then chốt cho năng lượng.
[Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019]
Tại hội nghị, Tư lệnh ngành công thương đề nghị cần rà soát cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển điện áp mái, huy động nguồn xã hội của người dân. Cụ thể là hoàn thiện thị trường than, đảm bảo nguồn cung cấp cho phát điện.
"Chính phủ và các địa phương cần quan tâm phát triển cơ cấu hạ tầng năng lượng như truyền tải, trạm biến áp, trong đó có tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 11 tháng năm 2018, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 201,12 tỷ kWh, tăng 10,97% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 11/2018, truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với sản lượng điện truyền tải ước đạt 15,6 tỷ kWh. Công suất truyền tải cao nhất trên trên các đường dây 500kV Bắc - Trung là 2.030 MW và Trung - Nam gần 3.480 MW.
Cũng trong tháng 11/2018, EVN và các đơn vị đã khởi công 33 công trình, hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 18 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500kV. Như vậy, tính trong 11 tháng, EVN đã khởi công được 156 công trình, đóng điện 170 công trình (trong đó, lưới điện 220kV đến 500kV là 39 công trình và lưới điện 110kV là 131 công trình)./.