Thách thức lớn của Thủ tướng Anh Boris Johnson sau một năm Brexit

Hiện Thủ tướng Anh bị kẹt giữa khối cử tri truyền thống của đảng Bảo thủ và khối cử tri bình dân chiếm đa số tại các khu vực truyền thống ủng hộ Công đảng mới quay sang ủng hộ đảng Bảo thủ nhờ Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Pháp Le Figaro, tương lai xán lạn mà Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ mang lại cho người Anh vẫn còn ở phía trước, trong khi phe đối lập tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng, kể cả trong đảng cầm quyền.

Đúng 23 giờ, giờ London và 24 giờ theo giờ Brussels ngày 31/12/2020, đồng hồ Big Ben đổ chuông chào mừng nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu sau 47 năm “hôn nhân” không êm ả. Vị Thủ tướng Anh đã ca ngợi đây là sự kiện “không thể nào tin nổi” đối với đất nước.

Nhưng 12 tháng sau, lễ kỷ niệm lại diễn ra buồn tẻ. Vài ngày trước, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Frost đã từ chức. Sự ra đi này có ý nghĩa biểu tượng và khiến cho ông Johnson tức giận.

“Kiến trúc sư” của “cuộc ly hôn” giữa nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã bị rơi vào cơn bão chính trị chưa từng có. Từ vài tháng nay, những hậu quả của Brexit, chỉ việc Anh rời EU ngày càng hiện rõ và cơn bão Omicron đã góp phần làm cho bức tranh thêm tăm tối. Tưởng như sẽ băng băng ra khơi một khi dứt bỏ dây neo châu Âu, con thuyền nước Anh lại tròng trành hơn.

“Chúng ta đã giành lại tự do trong tay và chúng ta chỉ cần tranh thủ cơ hội tốt nhất,” ông Boris Johnson từng phát biểu trong thông điệp đầu năm. Tuy nhiên, ông Frost lại cho rằng Thủ tướng Johnson đã thất bại, hoặc nhẹ hơn là không đi đúng hướng.

Nhà đàm phán Brexit của Anh đã nêu bất đồng với Thủ tướng về các biện pháp hạn chế phòng dịch mới là lý do ông ra đi, nhưng ông cũng tiết lộ “những quan ngại về con đường lựa chọn hôm nay.”

[Anh: Bộ trưởng phụ trách Brexit David Frost đệ đơn từ chức] 

Trong thư từ chức, ông Frost đã viết: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiến nhanh nhất có thể đến nơi mà chúng ta phải đến: Một nền kinh tế của các doanh nhân, ít điều tiết và thuế thấp.” Trước đó, ông Johnson bảo đảm giữa họ khác biệt “chỉ như một tờ giấy thuốc lá,” thế nhưng khoảng cách này ngày càng nới rộng.

Cuộc tranh luận về Brexit vẫn tiếp diễn

Không rõ người Anh có hối tiếc nhiều về lựa chọn của họ năm 2016 hay không, nhưng không ít người than phiền về con đường lựa chọn để thực hiện Brexit. Tháng 6/2021, 5 năm sau cuộc trưng cầu ý dân, các cuộc khảo sát cho thấy nước Anh vẫn bị chia rẽ giữa các “phe phái chính trị” có sức mạnh tương đương về chủ đề này.

Theo cuộc thăm dò do hãng Redfield & Wilton Strategies thực hiện, chỉ có 1 trên 9 người thay đổi phiếu bầu nếu tiến hành trưng cầu dân ý lại. Nhưng từ đó đến nay, mọi thứ đã xấu đi. Theo cuộc thăm dò mới của hãng YouGov, 52% người Anh được hỏi cho rằng Brexit đã diễn ra xấu hoặc rất xấu, chỉ có 18% cho rằng mọi thứ tiến triển tốt đẹp.

Sự thất vọng này một phần xuất phát từ quá trình hoàn tất Brexit quá chậm chạp. Trong một thời gian dài, dịch COVID-19 đã che phủ tất cả. Thủ tướng Johnson cho rằng các xáo trộn cho đại dịch và cho các điều chỉnh diễn ra liên tục sau khi rời EU. Ông Johnson bảo đảm nước Anh chỉ phải trải qua một giai đoạn khó khăn ngắn, rồi Brexit sẽ mang lại thành công về dài hạn. Thế nhưng, những người phản đối cho rằng chính cuộc ra đi này là nguyên nhân của tất cả những cái xấu.

Thực tế nằm giữa hai luồng quan điểm. Từ vài tuần, hay vài tháng nay, trong khi những hiệu ứng đầu tiên của Brexit được cảm nhận rõ ràng, những hậu quả của COVID-19 cũng bắt đầu hiện ra, mặc dù đại dịch đã xuất hiện từ trước.

Anand Menon, Giám đốc tổ chức nghiên cứu "UK in a changing Europe," nhận xét: “Rõ ràng, một số vấn đề hiện nay không phải do Brexit mà là do rối loạn các chuỗi cung ứng toàn cầu hay là do năng lực sản xuất của Trung Quốc giảm. Nhưng nhiều yếu tố khác thì liên quan rõ ràng tới Brexit và sẽ còn kéo dài, như thiếu hụt nhân công hay khó khăn thương mại.”

Thiếu nhiên liệu, trục trặc chuỗi cung ứng cho các siêu thị, nhà máy, khan hiếm lao động… “những đám mây đen” ngày càng tích tụ. Các hộ gia đình Anh bắt đầu lo lắng thực sự cho tương lai sức mua của họ. Tác động lên nền kinh tế đã hiển hiện. Những số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng quý 3/2021 thấp hơn dự đoán, ngay cả trước khi sự xuất hiện của biến thể Omicron. GDP của Anh chỉ tăng 1,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,4% trong quý 2/2021; giai đoạn này Anh dần dần nới lỏng lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng.

Một cửa hàng tại London, Anh, đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Doanh nghiệp Anh cũng hứng chịu thiếu hụt hàng hóa và công nhân và xu hướng này sẽ còn kéo dài sang năm 2022. Xuất khẩu của Anh cũng giảm mạnh, đây là điều đã được báo trước, nhưng xuất khẩu sang các nước ngoài EU cũng giảm. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng sẽ xuất hiện về sau. Việc thiết lập kiểm soát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, hiện nay London tạm hoãn thực hiện, có nguy cơ sẽ tác động thêm. Bên cạnh đó, vì lý do dịch COVID-19, nên ảnh hưởng của việc hạn chế đi lại giữa EU và Anh chưa thể đánh giá được.

Sau “Get Brexit done” (tạm dịch Hoàn tất Brexit) - khẩu hiệu của Thủ tướng Anh hiện nay là “Build Back better” (Xây dựng lại tốt hơn). Ông Johnson muốn quay lưng lại với “mô hình cũ đổ vỡ với mức lương thấp, tăng trưởng thấp, kỹ năng thấp và năng suất lao động thấp nhưng tồn tại nhờ nhập cư không kiểm soát.” Nhưng người ta không thể trong tích tắc là tiến ngay sang nền kinh tế tạo mức lương cao và năng suất cao.

Ngoài ra, chiến lược “Global Britain” (Nước Anh toàn cầu) cũng vẫn còn ở phía trước, nhất là hy vọng ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ vẫn chưa thấy đâu. Trong khi đó, nước Anh dường như rơi vào những cuộc cãi vã triền miên với các láng giềng châu Âu, như đã thấy trong cuộc xung đột liên quan đến Bắc Ailen hay bất đồng với Pháp về quyền đánh cá, hồ sơ mà Pháp đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khởi động một vụ kiện tranh chấp hậu Brexit. Trong nước, Brexit cũng thổi bùng lên một cách nguy hiểm xu hướng đòi độc lập ở Scotland.

Chỉ trích từ trong nước

Tuy nhiên, trên bình diện đối nội, lễ kỷ niệm Brexit đầu tiên này mới mang lại nhiều sóng gió cho cho ông Johnson. Ảnh hưởng của ông bị suy yếu chưa từng thấy kể từ khi lên nắm quyền và sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử 2019. Vài tuần nay, ông Johnson phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích liên quan đến cách xử lý vụ bê bối về vận động hành lang và việc nhiều nghị sỹ đảng Bảo thủ nhận lương kép.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới của hãng YouGov, 34% người Anh cho rằng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer có thể đảm nhận cương vị Thủ tướng tốt hơn, trong khi chỉ có 22% nghiêng về ông Johnson. Liên quan đến ý định bỏ phiếu, Công đảng hiện đã vượt lên trước với 36% so với 30% dành cho đảng Bảo thủ.

Lời cảnh tỉnh của cử tri đã được đưa ra tại cuộc bầu cử giữa kỳ có tính chất biểu tượng rất cao giữa tháng 12/2021 tại miền Trung nước Anh. Đảng Bảo thủ đã mất một khu vực tưởng như không thể nào thất bại, đó là thành trì Bắc Shropshire, nơi từ hai thế kỷ nay có truyền thống bỏ phiếu liên tục cho họ.

Tony Travers, nhà nghiên cứu của trường Kinh tế London (LSE), nhận định: “Lợi thế lớn nhất của ông Johnson đối với các nghị sỹ Bảo thủ là khả năng đưa đảng giành thắng lợi bầu cử. Nếu không còn bảo đảm được điều này thì các kế hoạch khác chỉ có tác dụng hạn chế. Nếu tình hình không được cải thiện một cách rõ ràng trong những tháng tới, sự chi phối trong đảng của ông ấy sẽ bị thách thức.”

Hiện tại, Thủ tướng Anh đang bị kẹt giữa khối cử tri truyền thống của đảng Bảo thủ và khối cử tri bình dân chiếm đa số tại các khu vực truyền thống ủng hộ Công đảng mới quay sang ủng hộ đảng Bảo thủ nhờ Brexit. Nói nôm na là giữa “những người quần đỏ” phía Bắc và “cổ cồn xanh” phía Nam. Đối tượng phía Bắc là tín đồ của thị trường tự do, muốn một nhà nước gọn nhẹ, mức thuế thấp, giải phóng khỏi các quy tắc chặt chẽ của EU, một kiểu “Singapore bên bờ sông Thames.” Ngược lại, nhóm thứ hai muốn Nhà nước can thiệp nhiều hơn, dịch vụ công tốt hơn, nhiều trợ cấp và chi tiêu công hơn.

Nghịch lý là mâu thuẫn này vừa là vấn đề, vừa tạo ra cơ hội cho ông Johnson. Những người muốn lật đổ ông vẫn cần phải ghi nhớ kỹ một phương trình có một không hai: Ông Johnson hiện nay là người duy nhất có khả năng duy trì sự thống nhất của khối cử tri rất khác biệt này, bao gồm cả những người tinh hoa và lực lượng chống giới tinh hoa. Để giành lại thế trận, ông Johnson sẽ phải lập lại trật tự tại số 10 Downing Street./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục