Theo Nghị quyết số 108/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, cả nước sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức từ 6,5-7%.
Con số này cao hơn mức từ 6-6,5% tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 của Quốc hội.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi vừa có giải pháp bứt phá tăng trưởng ngay trong ngắn hạn, vừa duy trì đà tăng trong trung, dài hạn.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024 vừa được CIEM công bố đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2024.
Cụ thể, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo đạt 6,55%, xuất khẩu tăng 9,54% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân cả năm tăng 4,32% so với năm trước và cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, xuất khẩu cả năm tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với năm trước và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), sở dĩ CIEM dự báo tăng trưởng GDP ở cả hai kịch bản đều cao hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP là bởi tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi tích cực qua các quý. So sánh với cùng kỳ trong giai đoạn 2020-2023, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 chỉ thấp hơn so với năm 2022.
So sánh tăng trưởng giữa các quý trong giai đoạn này thì tăng trưởng quý 2/2024 cũng chỉ thấp hơn so với quý 1 và quý 3 của năm 2022.
Một trong những nguyên nhân đóng góp vào mức tăng ấn tượng của quý 2/2024 cũng như 6 tháng đầu năm, theo đánh giá của CIEM là do các cấu phần của tổng cầu đều có tăng trưởng tương đối tích cực; trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng GDP; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.
“Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đang phục hồi dần về mức của các năm 2018-2019, thời điểm trước dịch COVID-19,” báo cáo của CIEM ghi nhận.
Báo cáo của CIEM cũng ghi nhận một số kết quả tích cực trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm như: lạm phát tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát; lãi suất điều hành được duy trì ổn định và thấp hơn so với cuối năm 2023; đầu tư công được thúc đẩy và vốn đầu tư FDI vẫn duy trì xu hướng tích cực.
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng 6 tháng đầu năm 2024, dù bối cảnh tình hình thế giới trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, ấn tượng, cao hơn các kịch bản đề ra và dự báo của tổ chức quốc tế, đồng đều ở tất cả các lĩnh vực, địa phương.
Đặc biệt là, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, theo ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cả năm tăng trưởng 6,5-7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt từ 7-7,5%. Đây là thách thức lớn, cần có kế hoạch cụ thể, quyết liệt, hành động rõ ràng cho tăng trưởng cả năm.
Chuyên gia Cao Viết Sinh cũng lưu ý cùng với phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn, phải chú ý áp lực tăng giá, đảm bảo được mục tiêu lạm phát. Một trong những giải pháp quan trọng để tăng trưởng cao hơn là cần tăng cầu trong nước vì sức mua hiện còn yếu.
Đà phục hồi của doanh nghiệp trong nước cũng còn chậm so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các địa phương cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để xử lý khó khăn trong ngắn hạn và dài hạn, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), trong nửa cuối năm 2024, Việt Nam sẽ phải lưu tâm xử lý về áp lực lạm phát. Bởi, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát “chi phí đẩy” nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ.
Bên cạnh đó, rủi ro gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, kèm theo đó là khả năng lạm phát gia tăng ở Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất điều hành ở mức cao, cần phải được xem xét cẩn trọng.
Tiếp đến khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn chậm được cải thiện. Cùng với đó, nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, phải đồng hành cùng doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Về phía địa phương, theo đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hoàn thành phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố nhận thấy có một số vướng mắc, khó khăn liên quan tới Luật Đầu tư công và Luật Quy hoạch.
Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế triển khai thực hiện tại các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các địa phương cần nhanh chóng nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung các giải pháp khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy tối đa các động lực tăng trưởng hiện hữu và phát huy động lực, mô hình tăng trưởng mới ./.
Việt Nam trong số các nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh 10 năm tới
Các nhà phân tích nhận định trong 10 năm tới, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%.