Thách thức đối với Liên bang Nga khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu

Chuyên gia cho rằng nguyên nhân Trung Quốc từ chối nhập khẩu nhiều loại hàng hóa khác nhau, trong đó có hàng hóa của Nga, không bắt nguồn từ tình hình bầu cử Mỹ.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tangshan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin "Kinh tế ngày nay," ông Aleksey Maslov, quyền Giám đốc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết nguyên nhân Trung Quốc từ chối nhập khẩu nhiều loại hàng hóa khác nhau, trong đó có hàng hóa của Nga, không bắt nguồn từ tình hình bầu cử Mỹ.

Bình luận trên được đưa ra sau khi tờ báo điện tử "Nation's Capital" của Nga cho biết Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu dần từ chối các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Liên bang Nga.

Bài báo cũng nói thêm rằng trước thềm bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tình trạng đồng ruble đang mất giá, Trung Quốc đã hoãn ký hợp đồng mới với Nga đến cuối năm nay.

"Việc từ chối nhập khẩu một số hàng hóa ở Trung Quốc, bao gồm cả hàng hóa của Nga, đã bắt đầu diễn ra song song với sự thay đổi cơ cấu hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc, chứ không liên quan tình hình bầu cử ở Mỹ. Có ba nhóm hàng hóa chính mà Bắc Kinh quan tâm. Trước hết là hệ thống chuyên chở năng lượng, liên quan đến hoạt động của đường ống dẫn dầu và khí đốt. Trên thực tế, khối lượng xuất khẩu vẫn không thay đổi, chiếm khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc," nhà kinh tế Aleksey Maslov nhận định.

Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc giảm 40% so với khối lượng cam kết trong hợp đồng.

[Ngoại trưởng Nga-Trung: Điểm tích cực và những điều còn bỏ ngỏ]

Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng hoàn vốn của đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia," với chi phí xây dựng lên tới 1.100 tỷ ruble.

Chuyên gia Aleksey Maslov nhấn mạnh: "Những biến động này chỉ có thể được giải thích là do sức cạnh tranh chung của thị trường, chứ không phải do cuộc bầu cử ở Mỹ."

Thương mại dần chuyển đổi

Trước những chuyển biến tiêu cực, phía Trung Quốc đã từ chối gia hạn hợp đồng thương mại trong một số lĩnh vực với Liên bang Nga.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn xuất khẩu cá của Nga giảm, khiến các nhà cung cấp mặt hàng này mất khoảng 60 triệu ruble mỗi tháng trong mùa cao điểm.

"Liên bang Nga tập trung vào nhóm hàng hóa khác và được quan tâm hơn, bao gồm các sản phẩm của tổ hợp công nông nghiệp. Như đã biết, Trung Quốc không có khả năng tự cung cấp dù chỉ một nửa nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Những loại hàng hóa này đang được cung cấp từ các địa phương của Nga như tỉnh Altai, tỉnh Primorsky và Đại khu Liên bang phía Nam. Đây là danh mục hàng hóa phức tạp nhất, vì sự cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc rất cao," nhà kinh tế giải thích.

Tuy nhiên, có thể thấy lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực này. Trung Quốc rõ ràng đang thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra với Washington vào tháng Giêng năm nay như một phần của thỏa thuận thương mại. Bắc Kinh đã đăng ký mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Giá trị hợp đồng vượt quá 30 tỷ USD.

Do đó, Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong hai lĩnh vực.

Đầu tiên là giá cả. Hàng Mỹ rẻ hơn đáng kể.

Thứ hai là sự đơn giản trong khâu giao nhận hàng hóa. Các sản phẩm nội địa của Nga chủ yếu tập trung xuất khẩu vào khu vực Đông Bắc của Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Nga. Bản thân khu vực này không phát triển về công nghiệp và dân số. Hơn nữa, hạn ngạch hàng hóa từ Nga sang Trung Quốc vẫn được duy trì.

Trong khi đó, hàng hóa của Mỹ được bán ở khắp Trung Quốc mà không bị ràng buộc về khu vực địa lý.

Theo nhà kinh tế học Aleksey Maslov, vấn đề chính của việc giảm xuất khẩu từ Nga không phải bởi Bắc Kinh muốn hay không muốn, mà là do các nhà cung cấp Nga nhận thức sai thị trường Trung Quốc. Họ thường cho rằng việc xuất nhập khẩu loại hàng hóa này chỉ phụ thuộc vào ý chí chính trị của chính quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc mở văn phòng tại Trung Quốc và làm việc với các mạng lưới phân phối lớn sẽ làm tăng khả năng chiến thắng trong cạnh tranh và trụ lại lâu dài trên thị trường Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, chuyên gia Alexey Maslov cũng tin rằng để tăng tính ổn định cạnh tranh, Nga cần phải tăng cường hoạt động trên thị trường Trung Quốc.

"Thời điểm này đang khiến Nga khó khăn, vì vậy khối lượng nông sản xuất khẩu đang thay đổi. Danh mục này có thể bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động gia tăng của một số đối thủ cạnh tranh của Liên bang Nga. Sản phẩm từ Peru, Thái Lan, Indonesia... đang đổ vào thị trường Trung Quốc. Trong số đó không chỉ có những loại trái cây vốn không cạnh tranh với hàng hóa Nga, mà còn có cả những sản phẩm từ thịt. Các sản phẩm sữa, dầu và hàng sơ chế (poly fabric) cũng đang được cung cấp cho Trung Quốc từ New Zealand và Australia," theo nhà kinh tế Alexey Maslov.

Sai lầm của các nhà cung cấp Nga

Đáng chú ý là Bắc Kinh dự đoán sẽ có các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva từ Washington khi ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này.

Người ta cho rằng ông Joe Biden sẽ đưa ra những trừng phạt lâu dài, làm suy yếu vị thế của đồng ruble Nga, do đó Chính phủ Nga sẽ buộc phải sử dụng đến biện pháp thay đổi mệnh giá đồng tiền của mình.

"Liên bang Nga đã cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc với các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là trong hai năm gần đây. Quyết định này là đúng đắn, bởi vì Trung Quốc sẵn sàng mua các công nghệ có những phát minh đáng quan tâm. Nga đã có mặt vào đúng thời điểm khi Mỹ ngừng cung cấp các sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà cung cấp của chúng ta đã quên bảo vệ công nghệ bằng các bằng sáng chế và các hình thức xác nhận quyền sở hữu trí tuệ khác, đồng thời cũng không cố gắng giảm số lượng lớn các bên trung gian," chuyên gia kinh tế Nga chia sẻ.

Triển vọng thương mại

Nhà kinh tế Aleksey Maslov cho rằng thương mại Nga-Trung sẽ giảm thêm khoảng 18-22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đây là mức quan hệ của ba năm trước, các con số này sẽ cho phép duy trì một khối lượng giao dịch không tồi.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do hậu quả của đại dịch COVID-19 gây ra, nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy sự tăng trưởng nhất định.

Theo chuyên gia, các chỉ số tích cực trong GDP (của Trung Quốc) cần được xem xét giữa bối cảnh sự sụt giảm chỉ số này ở các quốc gia khác.

Điều này cho phép đánh giá tính bền vững của mô hình kinh tế Trung Quốc, với mức giảm trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái là 6,8%. Ngược lại, quý 2/2020 đã kết thúc với mức tăng 3,2%.

Nhà kinh tế Maslov lưu ý: "Việc các nhà cung cấp Nga không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc dẫn đến việc sụt giảm nguồn cung trong một số ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, những con số cho thấy trao đổi thương mại Nga-Trung Quốc đã đạt mức 110 tỷ USD trong năm ngoái. Cuối năm nay, kim ngạch thương mại dự kiến sẽ giảm, có thể ở mức 20-25%. Nhưng con số này ít hơn sự sụt giảm thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác."

"Vì vậy, để tăng lượng hàng xuất khẩu, Liên bang Nga cần làm việc với Trung Quốc, xây dựng chính sách hỗ trợ xuất khẩu, vì ngay cả các tập đoàn lớn cũng không thể tự mình thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đã từng thành công trong việc giải quyết vấn đề này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục