Thách thức đang đón chờ tân Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva

Bà Georgieva sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức với tư cách là người đứng đầu IMF, bao gồm sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trước căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và mức nợ cao trong lịch sử.
Bà Kristalina Georgieva. (Nguồn: AFP)

Nhà kinh tế người Bulgaria Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 25/9 đã được phê chuẩn làm Tổng Giám đốc mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Nhiệm kỳ của bà Georgieva tại IMF có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/10.

Bà Georgieva là Tổng Giám đốc IMF đầu tiên đến từ các nền kinh tế mới nổi.

Phát biểu trước báo giới, bà Georgieva khẳng định sẵn sàng bắt đầu công việc của mình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quan sát, bà Georgieva sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức với tư cách là người đứng đầu IMF, bao gồm cả sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trước những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với mức nợ cao trong lịch sử.

Bà Georgieva (66 tuổi) thừa nhận tín hiệu cảnh báo đang được phát đi và IMF cần phải sẵn sàng để đối mặt với mọi thách thức.

Bà Georgieva nhấn mạnh ưu tiên của IMF là hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu các nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng đối phó nếu xảy ra suy thoái.

[Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF chính thức có Tổng Giám đốc mới]

Bà cho rằng cần tập trung các các mục tiêu dài hạn hơn để xây dựng các nền kinh tế vững mạnh hơn và cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, với nền tảng là các chính sách tiền tệ, tài chính và cấu trúc vững mạnh.

Tân Tổng giám đốc IMF khẳng định thế giới cần phải giải quyết những thách thức mang tính dài hạn như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu cũng như những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.

Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho rằng trong vai trò mới, bà Georgieva cần phải củng cố vai trò của nền kinh tế thị trường mới nổi tại IMF, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển vẫn chi phối mạnh mẽ các tổ chức tài chính quốc tế quan trọng.

Mặc dù Mỹ là cổ đông lớn nhất trong IMF, song quyền biểu quyết vẫn thấp hơn so với các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Theo truyền thống lâu nay, người châu Âu chỉ định Tổng giám đốc IMF, còn người Mỹ chỉ định chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).

Với nguồn quỹ hơn 1.000 tỷ USD, IMF có nhiệm vụ củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế.

Định chế tài chính đa phương quốc tế này đang tham gia vào một số chương trình cứu trợ lớn cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính, trong đó có Argentina và Pakistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục