Thách thức chưa từng có đón đợi chính phủ mới của Palestine

Giới phân tích Palestine tin rằng chính phủ mới sẽ phải đối mặt với những thách thức chính trị và tài chính chưa từng có khi thủ tướng mới Mohammed Shtayyeh chính thức bắt đầu các cuộc tham vấn.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas (phải) trao quyết định bổ nhiệm Thủ tướng cho ông Mohammed Shtayyeh ngày 10/3/2019. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Theo Tân Hoa Xã, giới phân tích Palestine tin rằng chính phủ mới của nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức chính trị và tài chính chưa từng có khi thủ tướng mới được bổ nhiệm Mohammed Shtayyeh chính thức bắt đầu các cuộc tham vấn.

Ngày 10/3, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bổ nhiệm cố vấn lâu năm của ông là Shtayyeh làm thủ tướng để thành lập chính phủ Palestine mới.

Sự bổ nhiệm này diễn ra sau khi Ủy ban Trung ương Fatah đề cử ông Shtayyeh, cũng là một thành viên của ủy ban nói trên, đứng ra thành lập chính phủ mới trên cương vị người kế nhiệm của Thủ tướng Rami Hamdallah, người đã từ chức hôm 29/1 và được ông Abbas yêu cầu giữ chức vụ thủ tướng tạm thời cho đến khi thành lập được chính phủ mới.

Theo Luật Cơ sở của Palestine, một thủ tướng mới sẽ đứng ra thành lập chính phủ trong vòng ba tuần kể từ khi nhậm chức. Thủ tướng mới sẽ có quyền kéo dài thời hạn này thêm hai tuần nữa.

Mohammad Daraghma, chuyên gia phân tích chính trị kiêm nhà văn sống tại Ramallah cho biết chính phủ mới này sẽ phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng bởi tương lai chính trị mờ mịt sau khi các cuộc đàm phán hòa bình đã bị đóng băng kể từ năm 2014 và mối quan hệ với chính quyền Mỹ bị xuống cấp nghiêm trọng.

Chuyên gia người Palestine loại trừ khả năng có sự thay đổi chiến lược trong cách tiếp cận của chính phủ mới, đồng thời nói thêm rằng chính phủ này có thể sẽ tiếp tục thực hiện chương trình điều phối tình hình Palestine của ông Abbas.

Chuyên gia này nói với Tân Hoa Xã: “Thành lập một chính phủ mới đồng nghĩa với tái xây dựng hệ thống chính trị Palestine do phong trào Fatah chỉ huy và các mối quan hệ gay gắt với các thủ lĩnh Hamas của Gaza khi mà nỗ lực hòa giải đã không còn lối thoát.”

Ông cho rằng chính phủ mới sẽ là chính phủ của đảng Fatah với một số lượng đại biểu độc lập và các đại biểu thuộc các nhóm có quan hệ với Fatah do một số nhóm thuộc Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đặc biệt là Mặt trận Dân chủ và Nhân dân vì sự Giải phóng Palestine và Mặt trận Nhân dân vì sự Giải phóng Palestine, tẩy chay chính phủ này.

[Quan chức PA kêu gọi Tổng thống Mỹ công nhận nhà nước Palestine]

Theo chuyên gia Daraghma, việc không có sự đồng thuận về chính phủ mới với Hamas có thể sẽ dẫn tới một Palestine có hai chính phủ riêng rẽ, một do Fatah nắm quyền ở Bờ Tây và một do Hamas điều hành ở Dải Gaza, và điều này chắc chắn sẽ khiến cho sự chia rẽ nội bộ càng nghiêm trọng hơn.

Chính phủ của ông Shtayyeh sẽ thay thế chính phủ đồng thuận đã được lập ra hồi giữa năm 2014 với sự nhất trí của các nhóm PLO và phong trào Hamas.

Tuy nhiên, những khác biệt giữa Fatah và Hamas đã cản trở chính phủ hòa hợp này có được đầy đủ sự kiểm soát với Gaza cho dù một thỏa thuận hòa giải đã được ký kết hồi tháng 10/2017.

Hamas đã giành quyền kiểm soát Dải Gaza một cách thô bạo với các lực lượng an ninh của ông Abbas hồi mùa Hè năm 2007. Hamas đã chỉ trích quyết định thành lập chính phủ mới của ông Abbas mà không có một sự “đồng thuận toàn dân tộc” bởi nó phá vỡ tính thống nhất và khiến cho sự chia rẽ thêm trầm trọng.

Phong trào Hồi giáo này cho biết sẽ không công nhận “chính phủ ly khai,” nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để “cải thiện tình hình Palestine là lập ra một chính phủ thống nhất quốc gia và tổ chức các cuộc tổng tuyển cử.”

Hani al-Masri, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Masarat tại Ramallah, nhận định: “Phản ứng của Hamas với chính phủ mới là bình thường bởi chính phủ này đang được lập nên mà không có một thỏa thuận hay một sự nối lại đối thoại về việc hòa giải trong Palestine.”

Theo Masri, chính phủ này sẽ khoét sâu thêm sự chia rẽ nội bộ, và cần có một cách tiếp cận mới mà khởi đầu là một hệ thống dựa trên sự hợp tác để đạt được sự hòa giải.

Ngoài những thách thức chính trị trong và ngoài nước, chính phủ mới cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính vốn đã buộc chính quyền Palestine (PA) phải thông qua một gói ngân sách khẩn cấp khi đã không thể chi trả đủ lương cho các nhân viên của mình.

Ngày 27/2 vừa qua, PA tuyên bố hoàn trả lại tiền thuế thu nhập cho phía Israel sau khi Israel đã khấu trừ 41,8 triệu shekels (tương đương 11,5 triệu USD) trong khoản tiền này.

Kể từ sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ vào năm 2014, Israel đã giữ lại khoản tiền này như một cách để phản đối và gây áp lực.

Tuy nhiên, sự việc này xảy ra cùng thời điểm chính phủ Mỹ áp đặt một sự cấm vận tài chính và hỗ trợ tài chính quốc tế giảm đến 70%. PA đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách bị tăng lên tới 700 triệu USD, trong bối cảnh các nguồn và thu nhập hạn hẹp, đặt ra thách thức lớn khiến họ khó có khả năng đáp ứng được các bổn phận của mình. Samir Abdullah, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô tại Ramallah, nhận định: “Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế cực kỳ khó khăn.”

Abdullah cho rằng chính phủ sẽ buộc phải xoay sở với thực tế của các biện pháp khắc khổ dựa trên việc giảm chi tiêu chính phủ, bao gồm cắt giảm việc bổ nhiệm, thăng chức, trợ cấp, giảm chi tiêu cho nhiều mục và các chuyến công du cũng như ngừng thông qua ngân sách để cấp cho các dự án phát triển.

Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng của PA còn nằm ở việc họ không có các nguồn thay thế để cải thiện sự thâm hụt ngân sách sau khi Mỹ ngừng trợ cấp và hỗ trợ quốc tế cũng sụt giảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục