Chưa hết bất ngờ với tình tiết hai mẹ con Thạch Sanh (trong câu chuyện cổ tích cùng tên) nhường nhau y phục, chị Thu Quỳnh (ngõ 165 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) lại không giấu được sự ngỡ ngàng với chi tiết miêu tả Trăn tinh “bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”
Dị bản truyện cổ tích “Thạch Sanh” với những nội dung như trên được in trong cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam-Tập 1” (Nhà Xuất bản Kim Đồng, tái bản tháng 10/2014)
Chi tiết gây tranh luận
Cụ thể, tại trang 40 của cuốn sách có đoạn in: “- Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm. - Nói rồi, bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: - Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc.
Rồi bà tắt thở.
Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xé một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế.”
Còn trong đoạn miêu tả cảnh Thạch Sanh chiến đấu với Trăn tinh có đoạn: “Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi.”
Người lớn cũng thấy sợ!
Cầm trên tay cuốn truyện, chị Thu Quỳnh chia sẻ: “Bản thân tôi là người lớn mà khi đọc đến đoạn văn trên (đặc biệt là cách tả ‘óc phọt ra chết tươi’) cũng cảm thấy rất sợ hãi. Trong khi đó, bìa sách lại in rất rõ rằng: Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi.”
Chị Quỳnh cho rằng, cách diễn đạt gợi đến những cảnh tượng ghê rợn, bạo lực như vậy không phù hợp với tâm lý thiếu nhi. “Ở góc độ một phụ huynh, tôi nghĩ rằng nhà xuất bản cần biên tập, trau chuốt lại ngôn ngữ trước khi in thành sách,’ chị Quỳnh nói.
Có cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: cách kể vô hồn (những chi tiết như "nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi...") như vậy không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của nhóm đối tượng độc giả này.
Phân tích sâu hơn về vấn đề trên, ông Vỹ cho biết, cũng như nhiều thể loại văn học dân gian khác, trong quá trình tồn tại, truyền cổ tích được lưu truyền với nhiều dị bản khác nhau.
“Đối với truyện cổ tích, khi kể bằng miệng, người ta có thể thêm thắt cho ‘mặn’ chuyện hoặc cho sát hợp với hoàn cảnh trực tiếp trong một nhóm nhỏ. Thậm chí, ở các trang mạng xã hội hiện nay, người ta còn phóng tác những câu chuyện này. Tuy nhiên, khi đã in ra sách để bán cho đối tượng rộng rãi nào đó thì người kể, người biên tập, người thẩm định phải có trách nhiệm xã hội,” nhà nghiên cứu bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, việc kể câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” với chi tiết như vậy thể hiện sự cằn cỗi trong tâm hồn của những người làm sách. Họ thiếu những cân nhắc, suy xét cẩn trọng khi kể cho các em thiếu nhi một câu chuyện cổ tích với ngôn ngữ như vậy.
Xuất phát từ những lý do đó, nhà nghiên cứu cho rằng, khi kể lại truyện cổ tích và in thành sách cho thiếu nhi thì người kể phải tìm những cách diễn đạt phù hợp với tâm lý lứa tuổi này.
“Sự vụng về của người kể”
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, việc in lại câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” với chi tiết nhường nhau y phục của hai mẹ Thạch Sanh là một sự vụng về; từ đó dẫn tới sự yếu kém trong chất lượng nội dung biên soạn.
Lý giải kỹ hơn, ông Vỹ cho biết: Việc nhường y phục cho người khác (cho con, cho bạn…) là một môtíp sẵn có trong kho tàng truyện kể dân gian và người kể truyền miệng có thể dùng.
“Câu chuyện Chử Cù Vân nhường y phục cho con trai Chử Đồng Tử vốn đã nằm sẵn trong tâm thức dân gian. Tuy nhiên, việc ghép môtíp này vào đây là không phù hợp. Với những tích truyện dân gian, việc trao đổi y phục giữa những người đồng giới là bình thường, nhưng sự trao đổi khác giới như cách kể ở đây lại là một điều rất vụng về. Khi in thành sách, những người thực hiện cần tránh,” ông Vỹ nhìn nhận.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều 19/3, đại diện truyền thông của Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: Văn học dân gian vốn được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng với nhiều dị bản khác nhau.
Bản in “Thạch Sanh” ở tập sách “Truyện cổ tích Việt Nam-Tập 1” là một trong những dị bản của câu chuyện cổ tích này. Nhóm biên soạn cũng tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn tư liệu và có sự cân nhắc, chỉnh sửa ngôn từ. Tuy nhiên, quan niệm thẩm mỹ và tâm lý tiếp nhận ở các thời đại cũng có sự khác nhau.
“Chúng tôi tiếp thu ý kiến đóng góp của độc giả. Trong những lần tái bản sau, nhà xuất bản sẽ loại bỏ những chi tiết, từ ngữ độc giả hiện nay cho là rùng rợn, không phù hợp,” đại diện truyền thông của Nhà xuất bản Kim Đồng cho hay./.