Giữa phố xá đông đúc, không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ tại làng trẻ em SOS Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình thật rộn ràng, náo nức. Dù tất bật và bận rộn với việc chăm lo cho các con nhưng trên khuôn mặt các mẹ, các dì rạng ngời niềm hạnh phúc và yêu thương.
Nhà số 1 của làng - căn nhà đầu tiên từ cổng vào mang tên hoa layơn, có 9 người con, em nhỏ nhất 9 tuổi, em lớn nhất 17 tuổi. Ngôi nhà được bao quanh bởi màu xanh của vườn cây ăn trái và những luống rau xen lẫn vườn hoa với đủ các loại. Với nụ cười hiền và giọng nói trầm ấm, mẹ Hoàng Thị Tú (49 tuổi) - người gắn bó với làng ngay từ những ngày mới thành lập vồn vã dẫn khách tham quan phòng của các con.
Để các con có một cái Tết cổ truyền đầm ấm và hạnh phúc, suốt mấy ngày nay, mẹ Tú bận luôn tay, từ việc chuẩn bị nguyên liệu để muối dưa hành, củ kiệu, chuẩn bị lá chuối, nếp thật ngon để gói bánh chưng cho đến việc tự tay làm mứt rồi dẫn các con đi chợ mua áo quần Tết... Thay vì làm mứt dừa như năm ngoái, Tết này mẹ Tú làm mứt gừng và đã hoàn thành xong từ mấy ngày trước.
Khóe mắt ngân ngấn, mẹ Tú trải lòng: "Các mẹ và các con trước đây đều có hoàn cảnh kém may mắn, về làng như là duyên số và định mệnh để các mẹ, các dì và các con trở thành người thân. Tết chính là dịp để sum họp gia đình, làm sao để các con có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày Tết là điều mà các mẹ, các dì trong làng luôn trăn trở và mong muốn."
Cầm bịch mứt gừng thơm ngon do tự tay làm, mẹ Tú cười hạnh phúc: “Làm mứt gừng để được lâu nên Tết này mẹ đã làm xong 4 ký mứt gừng cho các con. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng được ngắm nhìn các con cười vui, chăm ngoan học giỏi thì mình cũng được ấm lòng và thấy không có hạnh phúc nào bằng.”
Về ngôi nhà chung của làng tháng 6/2012, cô bé mồ côi không nơi nương tựa Võ Thị Phương Loan (12 tuổi) lại được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của tình cảm gia đình. Sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ Tú và các anh chị trong nhà hoa layơn, Phương Loan thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Khuôn mặt rạng ngời niềm vui, Loan hào hức khoe: “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết với mẹ Tú và nhiều anh chị trong làng nên em thấy rất hồi hộp. Mẹ Tú đã mua áo quần mới cho em rồi, em thích và vui lắm.”
Trước thềm nhà hoa Anh Đào (nhà số 3) của mẹ Hà Thị Thảo (45 tuổi), cặp em út song sinh Tường Vân, Tường Vi (5 tuổi) đang được các chị gái ân cần chăm sóc. Gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, em Nguyễn Thị Hằng - nữ sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (Đồng Hới, Quảng Bình) - người chị cả của 8 đứa em trong gia đình đang cẩn thận xúc từng thìa cơm cho cô em út. Hằng vốn ít nói nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, cô bé rất hoạt bát và tâm sự rất chân tình. Em cho biết, chỉ ít tháng nữa là em tốt nghiệp trung học phổ thông.
7 năm gắn bó với làng, mẹ Thảo và các em trong gia đình hoa Anh Đào là người thân duy nhất và là chỗ dựa tinh thần vững chãi của em. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em sẽ đăng ký thi vào ngành sư phạm Mầm non để có thể dạy dỗ, chăm sóc và yêu thương trẻ như khi các mẹ, các dì ở đây. Chia sẻ về việc chuẩn bị đón Tết của gia đình mình, mẹ Thảo cho biết, suốt mấy ngày qua, không khí trong làng rộn ràng lắm. Dù bận học nhưng cứ chiều về, các con lại tranh thủ thời gian phụ giúp các mẹ, các dì sửa soạn, dọn dẹp lại sân vườn, lau chùi, trang hoàng lại nhà cửa rồi trồng thêm vài luống hoa tươi thật đẹp…để đón Xuân về.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Làng Trẻ em SOS Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tại, làng có 12 gia đình với 123 cháu (52 trẻ trai và 71 trẻ gái), riêng năm 2012, làng tiếp nhận mới 7 cháu và trả về gia đình 4 cháu. Các con ở đây vốn mồ côi, không nơi nương tựa. Cũng giống như các con, những người mẹ, người dì cũng vốn là những mảnh đời kém may mắn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với mong muốn bù đắp những mất mát, đem đến niềm tin và yêu thương cho các mẹ và các con của làng, Làng luôn cố gắng làm sao để các mẹ, dì và các con đón Tết cổ truyền thật tươm tất và ấm áp. Vì thế, vào thứ 7 tuần trước (tức 22 tháng Chạp), lãnh đạo làng đã cùng các mẹ, các dì và các con tổ chức bữa Tất niên. Đến 29 tháng Chạp, mỗi gia đình cũng sẽ tự tổ chức tất niên tiễn năm cũ đón năm mới. Vào đêm giao thừa, tất cả các con của làng sẽ sum vầy bên mái ấm gia đình trong vòng tay yêu thương của các mẹ và anh chị em.
Sáng mồng Một Tết, các mẹ và các con sẽ cùng nhau nghe thư chúc mừng năm mới từ lãnh đạo làng, các con sẽ được nhận quà lì xì đầu năm. Làng cũng tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, giao lưu văn nghệ phù hợp để động viên tinh thần các con. Trước đó, Làng đã phát kinh phí để các gia đình mua sắm Tết, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để các con có cái Tết thật đủ đầy, tươm tất.
Đã trở thành lệ, từ chiều 28 Tết, tất cả các gia đình trong Làng Trẻ em SOS Đồng Hới tổ chức gói bánh chưng và mổ lợn. Đây là công việc mà tất cả các mẹ, các dì đến con trẻ trong làng ai nấy cũng đều hào hứng và chờ đón. Trẻ nhỏ trong làng sẽ lau lá chuối cho sạch và khi các mẹ đúc bánh xong thì các em tự tay cột dây bánh, rồi sau đó quây quần bên bếp lửa hồng, cùng mẹ và anh chị em trong nhà thức luộc bánh, tựa đầu nhau kể những câu chuyện vui hay ôn lại những kỷ niệm đã qua.
Còn với hơn 14 bà mẹ, bà dì trong làng - những người cả đời hi sinh và dành hết tình yêu thương cho các con thì điều họ mong chờ nhất và là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đó là “Ngày ngày được chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của các con, mong các con mình luôn vui vẻ, chăm ngoan và học giỏi"./.
Nhà số 1 của làng - căn nhà đầu tiên từ cổng vào mang tên hoa layơn, có 9 người con, em nhỏ nhất 9 tuổi, em lớn nhất 17 tuổi. Ngôi nhà được bao quanh bởi màu xanh của vườn cây ăn trái và những luống rau xen lẫn vườn hoa với đủ các loại. Với nụ cười hiền và giọng nói trầm ấm, mẹ Hoàng Thị Tú (49 tuổi) - người gắn bó với làng ngay từ những ngày mới thành lập vồn vã dẫn khách tham quan phòng của các con.
Để các con có một cái Tết cổ truyền đầm ấm và hạnh phúc, suốt mấy ngày nay, mẹ Tú bận luôn tay, từ việc chuẩn bị nguyên liệu để muối dưa hành, củ kiệu, chuẩn bị lá chuối, nếp thật ngon để gói bánh chưng cho đến việc tự tay làm mứt rồi dẫn các con đi chợ mua áo quần Tết... Thay vì làm mứt dừa như năm ngoái, Tết này mẹ Tú làm mứt gừng và đã hoàn thành xong từ mấy ngày trước.
Khóe mắt ngân ngấn, mẹ Tú trải lòng: "Các mẹ và các con trước đây đều có hoàn cảnh kém may mắn, về làng như là duyên số và định mệnh để các mẹ, các dì và các con trở thành người thân. Tết chính là dịp để sum họp gia đình, làm sao để các con có được cảm giác ấm áp, thân thương trong những ngày Tết là điều mà các mẹ, các dì trong làng luôn trăn trở và mong muốn."
Cầm bịch mứt gừng thơm ngon do tự tay làm, mẹ Tú cười hạnh phúc: “Làm mứt gừng để được lâu nên Tết này mẹ đã làm xong 4 ký mứt gừng cho các con. Dù không mang nặng đẻ đau nhưng được ngắm nhìn các con cười vui, chăm ngoan học giỏi thì mình cũng được ấm lòng và thấy không có hạnh phúc nào bằng.”
Về ngôi nhà chung của làng tháng 6/2012, cô bé mồ côi không nơi nương tựa Võ Thị Phương Loan (12 tuổi) lại được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của tình cảm gia đình. Sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của mẹ Tú và các anh chị trong nhà hoa layơn, Phương Loan thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Khuôn mặt rạng ngời niềm vui, Loan hào hức khoe: “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết với mẹ Tú và nhiều anh chị trong làng nên em thấy rất hồi hộp. Mẹ Tú đã mua áo quần mới cho em rồi, em thích và vui lắm.”
Trước thềm nhà hoa Anh Đào (nhà số 3) của mẹ Hà Thị Thảo (45 tuổi), cặp em út song sinh Tường Vân, Tường Vi (5 tuổi) đang được các chị gái ân cần chăm sóc. Gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, em Nguyễn Thị Hằng - nữ sinh lớp 12 trường Trung học Phổ thông Phan Đình Phùng (Đồng Hới, Quảng Bình) - người chị cả của 8 đứa em trong gia đình đang cẩn thận xúc từng thìa cơm cho cô em út. Hằng vốn ít nói nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, cô bé rất hoạt bát và tâm sự rất chân tình. Em cho biết, chỉ ít tháng nữa là em tốt nghiệp trung học phổ thông.
7 năm gắn bó với làng, mẹ Thảo và các em trong gia đình hoa Anh Đào là người thân duy nhất và là chỗ dựa tinh thần vững chãi của em. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em sẽ đăng ký thi vào ngành sư phạm Mầm non để có thể dạy dỗ, chăm sóc và yêu thương trẻ như khi các mẹ, các dì ở đây. Chia sẻ về việc chuẩn bị đón Tết của gia đình mình, mẹ Thảo cho biết, suốt mấy ngày qua, không khí trong làng rộn ràng lắm. Dù bận học nhưng cứ chiều về, các con lại tranh thủ thời gian phụ giúp các mẹ, các dì sửa soạn, dọn dẹp lại sân vườn, lau chùi, trang hoàng lại nhà cửa rồi trồng thêm vài luống hoa tươi thật đẹp…để đón Xuân về.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Làng Trẻ em SOS Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tại, làng có 12 gia đình với 123 cháu (52 trẻ trai và 71 trẻ gái), riêng năm 2012, làng tiếp nhận mới 7 cháu và trả về gia đình 4 cháu. Các con ở đây vốn mồ côi, không nơi nương tựa. Cũng giống như các con, những người mẹ, người dì cũng vốn là những mảnh đời kém may mắn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với mong muốn bù đắp những mất mát, đem đến niềm tin và yêu thương cho các mẹ và các con của làng, Làng luôn cố gắng làm sao để các mẹ, dì và các con đón Tết cổ truyền thật tươm tất và ấm áp. Vì thế, vào thứ 7 tuần trước (tức 22 tháng Chạp), lãnh đạo làng đã cùng các mẹ, các dì và các con tổ chức bữa Tất niên. Đến 29 tháng Chạp, mỗi gia đình cũng sẽ tự tổ chức tất niên tiễn năm cũ đón năm mới. Vào đêm giao thừa, tất cả các con của làng sẽ sum vầy bên mái ấm gia đình trong vòng tay yêu thương của các mẹ và anh chị em.
Sáng mồng Một Tết, các mẹ và các con sẽ cùng nhau nghe thư chúc mừng năm mới từ lãnh đạo làng, các con sẽ được nhận quà lì xì đầu năm. Làng cũng tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, giao lưu văn nghệ phù hợp để động viên tinh thần các con. Trước đó, Làng đã phát kinh phí để các gia đình mua sắm Tết, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để các con có cái Tết thật đủ đầy, tươm tất.
Đã trở thành lệ, từ chiều 28 Tết, tất cả các gia đình trong Làng Trẻ em SOS Đồng Hới tổ chức gói bánh chưng và mổ lợn. Đây là công việc mà tất cả các mẹ, các dì đến con trẻ trong làng ai nấy cũng đều hào hứng và chờ đón. Trẻ nhỏ trong làng sẽ lau lá chuối cho sạch và khi các mẹ đúc bánh xong thì các em tự tay cột dây bánh, rồi sau đó quây quần bên bếp lửa hồng, cùng mẹ và anh chị em trong nhà thức luộc bánh, tựa đầu nhau kể những câu chuyện vui hay ôn lại những kỷ niệm đã qua.
Còn với hơn 14 bà mẹ, bà dì trong làng - những người cả đời hi sinh và dành hết tình yêu thương cho các con thì điều họ mong chờ nhất và là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đó là “Ngày ngày được chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của các con, mong các con mình luôn vui vẻ, chăm ngoan và học giỏi"./.
Võ Thị Dung (TTXVN)