Tết Xíp xí của người Thái trắng - phong tục giống lễ rằm tháng 7 của người Kinh

Tết Xíp xí của người Thái trắng góp phần củng cố sự gắn kết, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mâm cỗ trong ngày Tết Xíp xí. (Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La)
Mâm cỗ trong ngày Tết Xíp xí. (Nguồn: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, Tết Xíp xí của người Thái được tổ chức trong 1 ngày duy nhất, thậm chí là một bữa duy nhất vào trưa 14/7 âm lịch hằng năm, một phong tục giống như lễ rằm tháng Bảy âm lịch của người Kinh.

Mới đây, tại Quyết định số 2313/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố "Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La" là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Tết Xíp xí - ngày con cháu hướng về tổ tiên

Theo quan niệm của người Thái trắng ở Sơn La, Tết Xíp xí là ngày con cháu hướng về tổ tiên, cũng là dịp người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Cũng có nơi đồng bào còn gọi Tết Xíp xí là Tết trẻ con bởi lẽ vào ngày này, trẻ em được người lớn may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết.

Vào Tết Xíp xí, người Thái trắng có mâm lễ vật thờ hồn vía để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản; cầu xin mưa thuận, gió hòa; cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật.

Lễ vật cúng gồm: thịt vịt, thịt gà, thịt lợn hun khói, lạp sườn, cá nướng (Pa pỉnh tộp), nộm rau cải, canh bon, canh chua, khẩu cắm (cơm nếp nhuộm 5 màu hoặc 7 màu), bánh ít, bánh chưng gù.

tet xip xi 3.jpg
Các lễ vật dùng để làm đồ cúng tế Tết Xíp xí của người Thái trắng ở Sơn La. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Tết Xíp xí thường không thể thiếu "nhứa tô pết" (thịt vịt) bởi vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước.

Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ; con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi, người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh.

Trong bữa ăn, các thành viên sẽ trò chuyện vui vẻ, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, vui chơi ca hát "khắp chúc muôn" (hát chúc mừng), "khắp khoắm son cún" (hát dạy làm người), "khắp long te" (hát bè trên sông), "khắp báo sao" (hát trao duyên), hát lúc ăn uống, lúc thăm nhau. Ngày hôm đó, con trẻ sẽ được đi vui chơi với nhau thỏa thích.

Quảng bá, giới thiệu nghi lễ Tết Xíp xí tới du khách thập phương

Tết Xíp xí của người Thái trắng góp phần củng cố sự gắn kết, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, vào dịp Tết xíp xí, hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động phục dựng nghi lễ và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao để cộng đồng làng bản cùng tụ họp, vui chơi, múa hát, so tài thi ẩm thực, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu với văn hóa truyền thống và tăng cường tình đoàn kết dân tộc.

tet xip xi 1.jpg
Đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo tỉnh Sơn La trao chứng nhận cho huyện Phù Yên. (Nguồn: Báo Sơn La)

Tại buổi lễ đón Chứng nhận nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân nhấn mạnh đây là niềm vinh dự, tự hào đối với cộng đồng người Thái trắng hai huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai; là động lực để hai huyện cùng quảng bá, giới thiệu Nghi lễ Tết Xíp xí tới du khách thập phương, thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân cũng đề nghị hai huyện phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết Xíp xí, gắn Di sản Văn hóa Phi vật thể với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, thành nguồn lực để phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

Trong số các Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia mới được bổ sung, có các lễ hội truyền thống như Lễ hội giã cốm của người Tày, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), Lễ hội Đền Tiên La (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Lễ hội Gầu tào của người Mông (các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Yên Bái).

Ở loại hình Nghề thủ công truyền thống, có Nghề làm nhang (tỉnh Tây Ninh), Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, Trà Vinh), Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), Nghề dệt thổ cẩm của người Mường (các xã Kim Thượng, Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ), nghề ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

Ở loại hình Tri thức dân gian, có Phở Hà Nội, Phở Nam Định, Mỳ Quảng (Quảng Nam), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).

Ở loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, có Lễ Xên đông (Cúng rừng) của người Thái (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) và Nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La).

Ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, có Ru ún (hát ru) của người Mường (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục