Tết Việt rộn rã thủ đô Lào, ấm lòng những người con xa xứ

Tết Việt cổ truyền rộn rã Vientiane, ấm lòng những người con xa xứ

Với đường biên giới tiếp giáp dài trên 2.000 km, cùng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt có một không hai trên thế giới, Lào là một trong những nước có đông đảo cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống.
Màu lá dong xanh ngăn ngắt luôn gợi nhắc không khí Tết cổ truyền Việt Nam. (Phạm Kiên/Vietnam+)

Với đường biên giới tiếp giáp dài trên 2000 km, cùng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt có một không hai trên thế giới, Lào là một trong những nước có đông đảo cộng đồng người Việt đang làm ăn và sinh sống.

Trong những ngày này, hòa chung không khí đón Xuân Ất Mùi 2015 cùng đồng bào trong nước, cộng đồng người Việt tại Lào cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết truyền thống của dân tộc.

Đắt cũng mua

Trên khắp các đường phố của Vientiane, những chợ tạm bày bán quất và hoa từ Việt Nam; những chợ bán vàng mã, bán bánh chưng, giò chả, bánh kẹo mứt… mọc lên ở khắp nơi, khiến không khí luôn trầm tĩnh của Vientiane trở nên sôi động, đầy sắc màu.

Đảo qua một vòng tại chợ hoa, thấy cũng đủ mai, quất, hoa thủy tiên, cúc Nhật cùng nhiều loại hoa đặc trưng mà người Việt hay bày trong nhà vào dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, giá cả thì khá đắt so với mặt bằng chung bởi một cây quất cỡ trung bình nhưng giá cũng đã lên tới gần 2 triệu kíp (khoảng trên 5 triệu đồng), những cây to hơn một chút, dù dáng dấp cũng chỉ vào loại thường thường nhưng chỉ cần đủ hoa, quả xanh, quả chín và chút lộc là giá có thể lên tới 3 triệu kíp.

Hoa được đưa từ Việt Nam sang. (Phạm Kiên/Vietnam+)

Đắt là vậy nhưng với những người xa xứ như chị Uyên, một Việt Kiều đang làm ăn sinh sống tại Lào, thì điều đó không quá quan trọng bởi với chị, việc làm sao trong nhà phải có đủ được không khí tết như ở Việt Nam quan trọng hơn nhiều. Theo chị Uyên, dù đã xa quê sang Lào sinh sống và làm ăn gần 30 năm, nhưng năm nào trong nhà chị cũng phải có quất hoặc đào, nếu không thì phải là mai, bởi nếu thiếu những thứ đó, dù cỗ tết có to đến mấy, chị cũng cảm thấy nó thiếu thiếu một cái gì đó.

Tại chợ Thông Khẳn Khăm hay Cổ Đin ở Vientiane, lá dong và lạt giang được bày bán la liệt, chị Hoàng Thị Gia, một Việt kiều bán hàng lâu năm tại chợ Thông Khẳn Khăm cho biết chị bán hàng ở chợ này đã lâu, bình thường chị bán giò nem, nhưng mỗi khi tới gần tết cổ truyền của dân tộc, chị lại bán thêm bánh chưng và hành muối. Theo chị, có một điểm đặc biệt là ngoài người Việt mua bánh chưng, thì người Lào mua cũng rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả người Việt.

Không chỉ ở các chợ lớn, lá dong còn được bày bán dọc theo vỉa hè của nhiều con phố lớn tại Viêng Chăn, trên một con phố gần chợ Cổ Đin, nơi có đông người Việt buôn bán, chúng tôi vô tình gặp gỡ chị Thơm Pacaysit – người dân tộc Thái Đen ở Việt Nam nhưng đã cùng gia đình sang Lào sinh sống vài chục năm nay, khi chị đang đi mua lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng theo ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Chị Thơm Pacaysit kể: “Trước đây, bố mẹ đã dạy tôi cách gói bánh, nay tuy ông bà đã khuất núi, nhưng tôi vẫn duy trì tập tục này. Năm nay tôi sẽ gói khoảng 200 chiếc, trước là để thờ cúng ông bà, bố mẹ và tổ tiên, sau đó là để biếu họ hàng, hàng xóm và bạn bè, đặc biệt là bạn bè Lào bởi họ rất thích ăn bánh chưng.”

Có một điều thú vị, ngoại trừ bánh chưng và giò, còn hầu hết các dịch vụ ăn theo Tết Việt như bán lá dong, lạt giang, mai vàng và thậm chí cả mứt và vàng mã, lại do người Lào khai thác hoặc tự làm để bán cho người Việt chứ không phải do chính người Việt làm.

Người Lào buôn theo Tết người Việt

Bà Khola Bip, một người Lào đến từ tỉnh Vientiane cho biết gần 10 năm quá, cứ gần đến dịp Tết Việt, là bà lại mua lá dong đưa từ khu vực Kasi, tỉnh Vientiane về để bán cho người Việt gói bánh chưng. Theo bà, việc kinh doanh cũng khá thuận bởi mỗi ngày bà bán được khoảng 80 đến hơn 100 bó lá dong (mỗi bó 50 lá).

Những quầy vàng mã cũng xuất hiện ở khắp nơi. (Phạm Kiên/Vietnam+)

Anh Boun Say, một cư dân ở Vientiane thì cho biết nắm bắt được nhu cầu mai rừng của người Việt, hàng năm cứ mỗi độ gần Tết Việt, anh lại đi gom mai của người Lào chặt ở rừng về để bán cho người Việt.

Trên các con phố như Don Palan và Nong Bon ở thủ đô Vientiane, những gian hàng bày bán mứt kẹo, bánh chưng, giò và vàng mã “mọc lên” khá nhiều, dù lượng người mua vào thời điểm này còn khá khiêm tốn nhưng theo chị Chu, một Việt kiều lâu năm tại Viêng Chăn, điều đó sẽ sớm thay đổi trong một hai ngày cận Tết, bởi khi đó mọi người mới đổ xô đi sắm tết.

Trong lúc đang lang thang xem không khí chuẩn bị tết của bà con Việt Kiều, chúng tôi may mắn gặp bà Nguyễn Thị Đầm, một người từng nổi tiếng với nghề làm bánh chưng ở Vientiane và được bà đưa về nhà để chứng kiến gia đình bà làm bánh chưng.

Sang Lào từ năm 1961 để trốn tránh sự đàn áp hà khắc của chính quyền miền Nam Việt Nam cũ, bà Đầm cho biết khi mới sang Lào bà đi bán nước dừa, sau này bà làm bánh chưng để bán và trở nên nổi tiếng với nghề của mình. Theo bà, muốn làm bánh chưng ngon thì phải kĩ trong tất cả mọi khâu, từ chọn lá, rửa lá, phơi lá cho đến khâu chọn đỗ, thịt… khi gói cũng phải biết cách, buộc lạt cũng phải biết thế nào là đủ…

Theo bà Đầm, chỉ cần ẩu ở một khâu nào đó là bánh sẽ không được ưng ý. Thịt dùng gói bánh chưng được bà Đầm chọn rất kỹ. (Phạm Kiên/Vietnam+)

Hiện, do tuổi đã cao, dù không làm bánh để bán nữa nhưng gia đình bà vẫn duy trì việc gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam bởi theo bà gói bánh vừa để vui, vừa là dịp để gia đình quây quần gắn kết tình cảm, vừa là cơ hội để giáo dục con cháu về truyền thống của dân tộc.

Đến nay, gia đình bà đã có ba thế hệ gắn bó với đất nước Lào anh em, dù các con và các cháu đều mang quốc tịch Lào, nhưng bà cùng các con, cháu vẫn giữ được những tập tục và văn hóa của người Việt. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, con gái của bà Đầm cho biết dù sinh ra ở Lào, nhưng bố mẹ đều là người gốc Việt. Do đó ngay từ nhỏ, chị đã được xem bố mẹ bố mẹ dạy các kỹ thuật gói bánh nên sau này, chị có thể gói rất đẹp và nhanh. Nhìn chị vừa nói chuyện vừa thoăn thoắt gói bánh, tác giả bài viết vừa thán phục vừa xấu hổ vì được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng lại chẳng biết gói bánh chưng.

Bà Đầm cùng con gái là chị Kim Chi đang gói bánh chưng. (Phạm Kiên/Vietnam+)

Chị Chi cho biết, năm nay chị cùng mẹ sẽ gói trên 200 cặp bánh chưng để ăn Tết và biếu những bạn bè Lào. Nhìn cậu con trai bụ bẫm độ 5 tuổi của chị ngồi bên cạnh, tôi chắc rằng một ngày nào đó, cậu bé này sẽ thay mẹ gói những chiếc bánh vuông vắn và đậm tình hiếu thảo để tiếp tục thờ cúng tổ tiên và duy trì truyền thống của dân tộc.

Rời khỏi nhà bà Đầm, cứ một quãng chúng tôi lại bắt gặp cảnh những nồi bánh chưng to kềnh đang nghi ngút khói, lòng dâng lên cảm giác tự hào khi thấy dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng phần đông bà con Việt Kiều tại Lào vẫn duy trì tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không khí đón Tết rộn ràng của cộng đồng người Việt tại Lào giúp chúng tôi - những người Việt đang công tác ở xa quê hương, cảm thấy nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà trong những ngày cận tết./.

Theo bà Đầm, gói bánh vừa để vui, vừa là dịp để gia đình quây quần gắn kết tình cảm, vừa là cơ hội để giáo dục con cháu về truyền thống của dân tộc. (Phạm Kiên/Vietnam+)
Có thể một ngày nào đó, cậu bé này sẽ thay mẹ gói những chiếc bánh vuông vắn và đậm tình hiếu thảo để nối tiếp thờ cúng tổ tiên và duy trì truyền thống của dân tộc. (Phạm Kiên/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục