Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng'

Nhiều thanh niên ngày nay không biết ông tiến sỹ giấy là gì. Nhiều người Hà Nội cũng thấy lạ lẫm khi biết rằng mâm cỗ Trung Thu xưa của người Tràng An luôn có bát ốc luộc cùng chiếc thau đựng nước.
Các em nhỏ được tham gia làm đồ chơi truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các em nhỏ được tham gia làm đồ chơi truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Bà Phạm Thị Chiên, nghệ nhân rối cạn Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội) vừa chỉnh trang các quân rối vừa lo lắng nhìn lên bầu trời âm u. Bà cùng 17 nghệ nhân khác trong làng đã dựng xong rạp rối cạn ở phố bích họa Phùng Hưng để phục vụ người dân dự hội Trung Thu phố cổ.

“Dự báo là mưa đến đúng Trung Thu. Nhưng mưa chúng tôi vẫn diễn, không ngại, miễn là có người xem,” bà Chiên cười.

Trung Thu xưa và những điều ít biết

Bà Chiên cùng đoàn rối cạn Tế Tiêu đã tham gia hoạt động Trung Thu phố cổ từ nhiều năm nay. Không chỉ biểu diễn ở khu phố cổ Hà Nội, bà còn đến Bảo tàng Dân tộc học, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam và nhiều nơi khác để giới thiệu nghệ thuật rối cạn, diễn những tích trò cổ truyền mang không khí Rằm tháng Tám như “Chú Cuội chăn trâu,” “Rước đèn đêm Trăng,” “Múa rồng”…

“Gia đình tôi kinh doanh hàng ăn, bận lắm nhưng cứ đến dịp này là tôi gác lại tất cả mọi việc để tham gia hội Trung Thu. Tôi đã theo bố đi diễn từ khi còn bé nên cho đến nay, tôi luôn cố gắng giữ nghề của gia đình. Quan trọng hơn cả là tôi muốn góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung Thu cho các em nhỏ ngày nay,” bà Chiên nói.

Sự phát triển của xã hội kéo theo sự thay đổi trong hình thức tổ chức Tết Trung Thu. Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Thu ngập tràn những đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi hiện đại với sắc màu sặc sỡ, lấn át hoàn toàn đồ chơi truyền thống. Nhiều thanh niên ngày nay không biết ông tiến sỹ giấy là gì. Nhiều người Hà Nội cũng thấy lạ lẫm khi biết rằng mâm cỗ Trung Thu xưa của người Tràng An luôn có bát ốc luộc thơm lừng, cùng chiếc thau đồng đựng nước trong vắt.

Trước thực tế đó, những người làm văn hóa, những nghệ nhân dân gian đã trăn trở rất nhiều để làm sao níu giữ những phong tục Tết Trung Thu cổ truyền.

[Đón Trung Thu ở phố cổ: Trải nghiệm làm đồ chơi, phá cỗ trông Trăng]

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (nguyên Trưởng Ban biên tập Văn hóa-Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) cảm thấy như được tìm về quá khứ khi chứng kiến mâm cỗ Trung Thu khổng lồ mà nghệ nhân Ánh Tuyết bày trong khuôn viên ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây với hàng trăm thức bánh trái hoa quả đầy ắp, rực rỡ. Đặc biệt, bên mâm cỗ choán hết chiếc bàn lớn, nghệ nhân Ánh Tuyết đặt một chiếc thau đồng sáng choang đựng đầy nước trong vắt.

Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 1Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung (giữa) trong buổi tọa đàm về Trung Thu tại Cung Thiếu nhi Hà Nội do Hội Truyền thông Hà Nội tổ chức. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Ngày xưa các cụ nhà mình ở phố thường đặt thau đồng nước bên mâm cỗ Trung Thu, để khi nào Trăng lên sẽ hiện bóng vào thau nước. Tha hồ long lanh óng ánh. Vớt trăng chơi cũng vui. Sao mà người Hà Nội xưa chơi trăng Trung Thu tinh tế, lịch lãm đến thế?” nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung cảm thán.

Giải thích câu nói “ăn ốc trông Trăng,” bà cho biết Trung Thu là dịp mà ốc mít, ốc nhồi béo vàng. Người Hà Nội xưa thường làm món ốc luộc chấm mắm gừng hoặc ốc hấp lá gừng để trong lúc trẻ con phá cỗ với quà bánh thì người lớn tuổi thong thả vừa nhể ốc vừa ngắm Trăng.

“Ngày nay, trong khu trung tâm phố cổ Hà Nội, không khí đón Trung Thu vẫn đậm đặc phong vị truyền thống với những trò chơi, những màn diễn xướng dân gian. Tiếng trống phách đàn địch, tiếng reo hò cổ vũ râm ran đây đó khiến ai nấy đều cảm thấy như trở lại tuổi thơ tươi đẹp,” bà Nhung bày tỏ.

Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 2Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng chung cảm xúc đó. Ông tâm sự rằng mình đã ở vào tuổi thích hồi cố. Bởi lẽ, Trung Thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình. Ông cho rằng ký ức tuổi thơ cũng chính là một phần của Tết Trung Thu dành cho người lớn.

“Tết Trung Thu nay nhiều thứ vẫn còn, nhiều cái đã mất nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm, giáo dục cho con cái nhà mình đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui,” ông chia sẻ.

Nhà sử học khẳng định đó là giá trị nhân văn của Tết Trung Thu rất cần được bảo tồn và tiếp nối.

Gìn giữ những giá trị nhân văn

Đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh, nơi nơi bị tàn phá, người dân còn không đủ ăn, nói gì đến chuyện lấy trứng gà vỗ béo cho ốc mùa Thu hay lấy bột gạo nặn tò he. Vậy mà những nét đẹp truyền thống của hội Rằm tháng Tám vẫn được bảo tồn như một mạch ngầm chảy xuyên suốt đời sống người Việt.   

Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 3Mâm cỗ Trung Thu bằng bột gạo màu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tiến sỹ Vũ Hồng Nhi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ với phóng viên câu chuyện giữ nghề nặn tò he rất thú vị.

“Giai đoạn chiến tranh chống Mỹ gian nan, mọi lương thực phải dành ưu tiên cho chiến trường, bộ đội và nuôi sống con người. Vì vậy, nghề nặn tò he vốn nặn con giống từ bột gạo bị cấm. Nhưng quá yêu nghề và muốn giữ nghề, các nghệ nhân làng Xuân La, xã Thượng Vực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có sáng kiến chuyển từ nặn con giống sang nặn chiến sỹ, dân công hỏa tuyến,” bà Nhi kể.

Không ai cấm... nặn chiến sỹ. Nhờ thế mà nghề này cứ âm thầm duy trì qua những năm đất nước khó khăn nhất để giờ đây những con giống đủ màu có thể tô điểm thêm sự rực rỡ của mâm cỗ Trung Thu.

Cùng chung mối quan tâm với đồ chơi Trung Thu, tiến sỹ Vũ Thế Long (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho rằng đồ chơi dân gian có yếu tố hấp dẫn đặc biệt bởi trẻ em có thể tham gia vào quá trình sản xuất chẳng hạn như dán đèn ông sao, vẽ mặt nạ, nặn con giống.

Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 4Màn biểu diễn múa lân trên phố Hàng Bè, Hà Nội. (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lê Bích)

Hơn 20 năm trước, ông Long có dịp làm việc trong Bảo tàng Con người ở Paris và được thấy một số món đồ chơi bằng sắt tây xuất xứ từ Hà Nội. Trong số đó có món đồ hình ông bán phở, tay cầm dao thái phở chặt lên thớt; có món mô phỏng cảnh xay lúa giã gạo và đặc biệt hơn có cả những tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng.

“Tôi giật mình khi thấy thời bấy giờ dân Việt đã khéo đem nghệ thuật đồ chơi dân gian Trung Thu vào nội dung khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tốc chống ngoại xâm một cách tài tình khéo léo đến thế,” ông nói.

Do đó, ông Long cho rằng có thể mang đồ chơi dân gian, trò chơi dân gian vào trong trường học, khu vui chơi trẻ em để tạo hoạt động vui chơi giải trí và phát huy sáng tạo đồng thời nâng cao nhận thức, giáo dục trẻ về lòng yêu nước và những giá trị nhân văn.

Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Long, những năm gần đây một số nơi trong nước đã tổ chức lễ hội Trung Thu trong đó có lễ hội đèn lồng, diễu hành xe hoa như ở Tuyên Quang, Yên Bái là những hình mẫu rất thành công. Ông Long đề xuất tổ chức hội Trung Thu trong nhiều tỉnh thành vì đây là một giá trị văn hóa sẽ có đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa du lịch ở nước ta./.

Một số hình ảnh về Trung Thu xưa do Tạp chí Xưa và Nay cung cấp:

Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 5
Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 6
Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 7
Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 8
Tết Trung Thu: Tìm về đồ chơi cổ truyền, mâm cỗ ‘ăn ốc trông Trăng' ảnh 9
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục