Cô bé người Mông Hoa Vừ Thị Mỉ, 8 tuổi, vừa bước vào lớp ba, kể rằng năm nay em được đón một cái Tết Trung Thu vui lắm.
Sử dụng tiếng Việt rất ngộ nghĩnh, em hào hứng tả về những cái "rất rất" mà hàng trăm bạn nhỏ ở các thôn Sảng Pả, Sẻo Lủng, Lũng Sính, Sả Lủng A, Sả Lủng B… (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vừa được trải nghiệm trong Ngày hội "Trung Thu cho em - Tiếp bước đến trường."
Chuyến đi bắt nguồn từ một… chuyến đi
Ý tưởng tổ chức một cái Tết Trung Thu mang nhiều ý nghĩa và gắn với năm học mới ở vùng cao bắt nguồn từ một chuyến đi thiện nguyện của Câu lạc bộ Cầu nối trái tim (Hà Nội) tại xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Cuối tháng bảy năm nay, các bạn trẻ trong Câu lạc bộ Cầu nối trái tim đến thôn Pha Thanh (xã Mường Nhà) để trao quà tặng 68 hộ dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc cho những người tham gia.
Biết được rằng nhiều em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa hiếm khi được đón một cái Tết Trung Thu đúng nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Ngọc Hùng đưa ra sáng kiến về việc "lan tỏa Lễ hội Trăng Rằm từ miền xuôi lên núi cao."
Ý tưởng này nhanh chóng được các hội viên của câu lạc bộ hưởng ứng.
Chỉ có một tháng để chuẩn bị, bắt đầu từ việc phát thông điệp "Trung Thu cho em - tiếp bước đến trường," tiếp đó là cuộc vận động quyên góp kinh phí, mua quà, liên hệ nơi tiếp nhận và cuối cùng là vạch kế hoạch lên đường, tổ chức sự kiện.
Ngoài sự đóng góp của các hội viên câu lạc bộ, của những người thân, bạn bè, các nhà hảo tâm quen biết, mạng xã hội cũng là một kênh kêu gọi quan trọng.
Thầy giáo Lê Văn Úy, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ, tâm sự: "Vận động sự tài trợ, đặc biệt là qua mạng xã hội, không dễ dàng. Nhất là vào thời điểm hiện nay, khi các tổ chức từ thiện nở rộ như nấm sau mưa, thật giả lẫn lộn.
Nhưng nếu thể hiện được sự nhiệt huyết, công tâm, minh bạch, nhất là các chuyến đi trước được tổ chức hiệu quả, thiết thực và đúng đối tượng cần được giúp đỡ, việc kêu gọi đóng góp cho những chuyến đi sau sẽ thuận lợi hơn.
[Lung linh Lễ hội rước đèn Trung Thu lớn nhất Việt Nam]
Người dân mình dù hằng ngày vẫn phải vật lộn mưu sinh nhưng thật sâu trong tâm họ vẫn chan chứa tình yêu thương, sự thương cảm với những người kém may mắn. Quan trọng là mình có đủ tâm, đủ tầm để khơi đúng mạch nguồn không bao giờ cạn đó không."
Câu lạc bộ Cầu nối trái tim tuy mới thành lập vào năm 2016 với các hội viên là những trí thức, công nhân, sinh viên bình thường nhưng đã có nhiều hoạt động thiện nguyện giàu ý nghĩa.
Đặc biệt là những chuyến đi hiến máu, trao quà tặng bệnh nhân gặp hoàn cảnh éo le tại các bệnh viện ở Hà Nội và tặng quà cho người nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trung Thu tiếp bước em đến trường
Thôn Sảng Pả được chọn làm địa điểm tổ chức Ngày hội "Trung Thu cho em - Tiếp bước đến trường" vì ở gần trung tâm xã Phố Cáo, tiện cho các em nhỏ ở những thôn khác cùng đến dự sự kiện.
Theo thông tin từ địa phương, được sự quan tâm của chính quyền, nhà trường và các đoàn thể, năm nào các em nhỏ ở Phố Cáo cũng được đón Tết Trung Thu theo cách của mình.
Tuy nhiên, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Đồng Văn nên ngày hội Trăng Rằm, đặc biệt là tại các thôn nhỏ, được tổ chức rất khiêm nhường, trong đó bánh dẻo, bánh nướng - sản phẩm đặc trưng của Trung Thu, dường như vẫn là món đồ xa lạ với các em nhỏ nơi đây.
Bởi vậy, lời kêu gọi "Tặng bánh Trung Thu cho trẻ em vùng cao" được Câu lạc bộ Cầu nối trái tim đưa ra như một thông điệp riêng song hành cùng thông điệp chính.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, Câu lạc bộ đã quyên góp được một số tiền vượt sự mong đợi để có thể chuẩn bị hơn 300 phần quà gồm bánh Trung Thu, kẹo, sữa, sách, vở, bút, bảng, áo ấm, khăn mặt, đèn lồng…
Các bạn trẻ trong nhóm thiện nguyện còn tự tay chế biến 350 suất "cơm trưa Hà Nội truyền thống" để những em bé người Mông có cảm tưởng như mình được về xuôi, ghé thăm Thủ đô cách cao nguyên đá những hơn 400 cây số.
Những em nhỏ ở độ tuổi học sinh Tiểu học tại các thôn bản xa xôi sẽ được gửi lại phần quà thiết thực khác.
Món quà tinh thần mà các em nhỏ nhận được tại Sảng Pả còn lớn hơn rất nhiều.
Các bạn tình nguyện viên của Câu lạc bộ Cầu nối trái tim cùng với nhóm Ước mơ cho em và nhóm Chúng tôi hát vì những hoàn cảnh khó khăn (đều ở Hà Nội) đã tổ chức các tiết mục múa, hát, trò chơi tập thể rất sôi động, lôi cuốn mà các em nhỏ người Mông lần đầu được tham gia.
Vị khách mời đặc biệt, Đại đức Thích Huệ Tâm, Ủy viên Phân ban Thanh Thiếu nhi Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được các bạn nhỏ rất yêu thích trong vai trò "hoạt náo viên," hóa thân vào các nhân vật ngộ nghĩnh trong truyền thuyết.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cầu nối trái tim Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ: "Chỉ cần nhìn những nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ là bao nỗi vất vả trong những ngày qua cũng như sự mệt mỏi sau 14 giờ đồng hồ ngồi xe đều tan biến.
Chúng tôi hy vọng hình ảnh về Tết Trung Thu năm nay sẽ in sâu trong ký ức các em, như một trong rất nhiều biểu hiện của tình cảm ấm áp giữa con người với nhau, giữa miền núi và miền xuôi."
Hồng Quân, sinh viên năm thứ nhất tại một trường Đại học ở Hà Nội, là một vị khách tình cờ tại sự kiện "Trung Thu cho em - Tiếp bước đến trường."
Quân cho biết, em có sự đồng cảm sâu sắc với các bạn trong nhóm thiện nguyện nên đã đăng ký làm hội viên của Câu lạc bộ Cầu nối trái tim. Hơn thế nữa, em sẽ kết nối tổ chức này với Câu lạc bộ hiến máu cứu người tại nơi em vừa nhập học.
Thông điệp "Lan tỏa yêu thương" mà Câu lạc bộ Cầu nối trái tim đang hướng tới, đã thực sự có sức lan truyền trong cộng đồng./.