Dân tộc ta có một cái tết thật đặc biệt, đó là “Tết trồng cây,” một cái tết mang đậm nét đẹp truyền thống dân tộc do Bác Hồ phát động vào mùa Xuân năm 1960 “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cơ quan, đoàn thể và nhân dân cả nước lại tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, đưa “Tết trồng cây” ngày càng phát triển, không chỉ tạo nên nét đẹp truyền thống của dân tộc, mà còn góp phần chống xói mòn, hạn chế lũ lụt.
Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần tạo nên cảnh quan tươi đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành, để phát triển bền vững.
Trong không khí đầu năm mới, suốt 10 ngày qua, các Bộ, ban, ngành Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.”
Sự kiện này ý nghĩa hơn khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, cho nên việc phát động trồng cây ở mọi vùng miền cả nước, đã trở thành phong trào cách mạng của tất cả các địa phương.
[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019]
Trên tinh thần đó, sáng 10/2 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019, tại tỉnh Yên Bái.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xúc động nhắc lại bài viết “Tết trồng cây” Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân dân cách đây gần 60 năm (ngày 28/11/1959). Với tầm nhìn chiến lược, Người đã phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.
Người chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”; “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia.” Từ đó tới nay, “Tết trồng cây” theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp Tết đến xuân về.
“Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích và khẳng định: “Rõ ràng, đây là việc làm hết sức cần thiết.”
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép.
Khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của “Tết trồng cây,” phát biểu tại lễ ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” sáng 13/2, tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân một lằn nữa khẳng định, qua 60 Tết trồng cây nhân dịp xuân mới, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn về tư tưởng, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững.
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI, các loại hình thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày một gia tăng để lại hậu quả rất nặng nề.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc trồng thêm cây xanh sẽ khắc phục, giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; bảo vệ, cải thiện môi trường sống. “Từ thực tiễn này, chúng ta lại một lần nữa thấy được tầm nhìn rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động Tết trồng cây với nhận định việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều,” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn đem lại một môi trường sống xanh-sạch-đẹp cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc và thực hiện nghiêm chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, chúng ta lại càng thấm thía lời dạy của Bác, ra sức thực hiện di nguyện của Người,” đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Kỷ Hợi năm 2019” tại xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Nhắc lại lời dạy của Bác “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Năm nay chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch, cho nên, việc phát động trồng cây ở mọi vùng miền cả nước thành phong trào cách mạng của tất cả địa phương.”
Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước tích cực trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng, phấn đấu đạt mục tiêu độ che phủ rừng năm 2020 ít nhất 42%; quyết tâm trong 10 năm tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng; kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không sử dụng gỗ bất hợp pháp…
Những ngày qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước, nổi bật như Hà Nội, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Trị, Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế…cũng đã có những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”...