Tết Nhân ái: Những nghĩa cử cao đẹp dành cho người khó khăn

Từ năm 1999-2022, các cấp Hội Chữ thập Đỏ trao tặng trên 28,9 triệu suất quà Tết cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, trị giá đạt hơn 9.991 tỷ đồng.

Khoảng 600 người dân đổi phiếu để nhận hàng miễn phí tại các gian hàng ở Chợ Tết nhân ái Hà Nội, mỗi phiếu trị giá 850.000đ/phiếu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Khoảng 600 người dân đổi phiếu để nhận hàng miễn phí tại các gian hàng ở Chợ Tết nhân ái Hà Nội, mỗi phiếu trị giá 850.000đ/phiếu. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Những ngày này, hoạt động chăm lo Tết cho người dân được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam triển khai trên khắp mọi miền đất nước, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng với đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2024, Chương trình Tết Nhân ái được triển khai, phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương. Thực hiện mục tiêu đề ra, từ cuối năm 2023, các hoạt động của chương trình đã được tổ chức, góp phần tạo hiệu ứng sâu rộng của Tết Nhân ái trong cộng đồng.

Lan tỏa không gian Tết Nhân ái

Để góp phần lan tỏa phong trào, Tết Nhân ái năm 2024 được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chính thức khởi động trong Chương trình "Sức mạnh nhân đạo 2023" tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 22/11/2023.

Tại đây, Trung ương Hội triển khai Chiến dịch gây Quỹ cộng đồng với chủ đề "Gửi quà góp Tết" với nhiều hoạt động cụ thể, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước dành sự quan tâm đến đồng bào còn khó khăn.

Hình thức quyên góp này không chỉ phù hợp với Kỷ nguyên số 4.0 mà còn mang tính linh hoạt và minh bạch. Những người hưởng ứng có thể tham gia ủng hộ bằng nhiều cách như: nhắn tin, chuyển khoản, mua sắm trực tuyến và tích quỹ từ thiện tự động, lựa chọn sắm Tết ở các nhà bán hàng có cam kết trích quỹ ủng hộ cho chiến dịch.

Phong trào Tết Nhân ái được triển khai với nhiều mô hình, cách làm mới: Huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các hoạt động theo mô hình "Tặng quà - Vui Tết" nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương vui đón Xuân mới phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Các cấp Hội Chữ thập Đỏ đã nỗ lực đa dạng hóa các hình thức trợ giúp, bên cạnh trao tặng quà truyền thống còn tổ chức Chợ Tết Nhân ái kết hợp với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong không khí rộn ràng, ấm áp, vui tươi…; không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà còn mang lại các giá trị tinh thần cho người hưởng lợi và cộng đồng.

Phong trào đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, mang lại niềm vui cho người hưởng lợi, đồng thời truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập Đỏ cũng như những người tham gia hoạt động thiện nguyện.

Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết Tết Nhân ái năm 2024 được triển khai với mục tiêu phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng.

Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tiếp tục phát huy những thế mạnh và ưu điểm nổi bật của phong trào để tổ chức rộng khắp hơn. Hội triển khai ở cấp Trung ương; hỗ trợ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức những không gian Tết Nhân ái với khoảng 200 địa điểm...

TTXVN_0502Tetnhanai2.jpg
Người dân Vĩnh Long phấn khởi khi được hỗ trợ mua sắm tại "Phiên chợ Tết nhân ái." (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Thông qua hoạt động Tết Nhân ái, Hội khuyến khích tổ chức gian hàng 0 đồng để người được hưởng lợi có thể trực tiếp chọn những món quà mình yêu thích, đáp ứng nhu cầu chuẩn bị Tết của từng gia đình.

Hội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với cộng đồng, phù hợp với văn hóa của người dân ở địa phương, góp phần lan tỏa rộng rãi không gian Tết Nhân ái.

Đặc biệt, vào dịp này, nhiều bệnh viện, các y, bác sỹ tiếp tục đồng hành với Hội Chữ thập Đỏ thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua việc thăm khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.

Ở nhiều nơi, phong trào Tết Nhân ái còn được tổ chức gắn kết với Lễ hội Xuân Hồng để vừa chăm lo cho đối tượng yếu thế, vừa thực hiện nghĩa cử cao đẹp, hiến máu tình nguyện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết.

Phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" cũng tiếp tục được thực hiện nhằm nhân lên các giá trị nhân đạo, góp phần biểu dương, cổ vũ, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện để có nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp.

Lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng, trong năm 2024, Hội Chữ thập Đỏ tiếp tục triển khai Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" kết hợp với triển khai 2 chương trình trọng điểm "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật."

Bên cạnh đó, Hội đổi mới cách thức tổ chức Tháng Nhân đạo với những thông điệp thiết thực, là tháng cao điểm toàn hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia thực hiện các hoạt động nhân đạo dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các đoàn thể, quần chúng nhân dân, do các cấp Hội Chữ thập đỏ làm nòng cốt.

Hội tổ chức kịp thời, hiệu quả các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi sinh kế sau thiên tai, dịch bệnh; ứng dụng công nghệ số trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, phổ biến kết hợp trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa cho người dân tại cộng đồng, nhất là người già, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em.

Hiệu ứng xã hội sâu rộng

Được phát động từ năm 1999 với tên gọi "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", đến năm 2023, phong trào được đổi tên thành "Tết Nhân ái."

Sau 23 năm triển khai, phong trào đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nhân lên những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng.

Tính đến năm 2022, các cấp Hội Chữ thập Đỏ đã trao tặng trên 28,9 triệu suất quà Tết cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, trị giá đạt hơn 9.991 tỷ đồng.

Phong trào đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm ủng hộ, được các cấp Hội tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phong trào thu hút nhiều lực lượng và thành phần tham gia nhất, số người hưởng lợi và địa bàn triển khai nhiều nhất.

Phong trào được ghi nhận có sự truyền thông mạnh mẽ và vận động nguồn lực hiệu quả nhất, sự trợ giúp đa dạng và thiết thực nhất, hiệu ứng xã hội lan tỏa rộng và sâu nhất trong các phong trào, cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện.

Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ việc đổi tên thành Tết Nhân ái để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập Đỏ trong nhiệm kỳ mới.

TTXVN_0502Tetnhanai3.jpg
Ban tổ chức Tết nhân ái ở Bình Phước trao quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN phát)

Bao phủ rộng hơn các đối tượng được hưởng lợi, không chỉ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam mà còn chăm lo đến các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh…

Năm đầu tiên triển khai theo yêu cầu và phương thức mới, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo, mang lại sức sống mới tích cực cho phong trào. Nội dung, hình thức tổ chức thiết thực, gắn với giá trị văn hóa, truyền thống, tập quán của dân tộc đã làm nên sự đặc sắc, độc đáo của Tết Nhân ái 2023.

Dự chương trình Tết Nhân ái, tặng quà, chúc Tết tại một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận sáng kiến tổ chức phong trào với nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng cùng chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; làm nổi bật và tô thắm thêm truyền thống "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách," "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta; đồng thời mong muốn nhân rộng trên toàn quốc. Phong trào thể hiện sức sống lâu bền, khẳng định "thương hiệu" của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam chăm lo để không ai bị bỏ lại phía sau.

Những "phiên chợ" đặc biệt

Không sử dụng tiền mặt, không cần mặc cả, người "đi chợ" ăm ắp niềm vui vì được "mua" các mặt hàng thiết yếu từ dầu ăn, muối, gạo, bánh kẹo, rau củ quả đến xà phòng, quần áo... với giá "0 đồng". Ðó là những "phiên chợ" đặc biệt dành cho người nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động.

Bà Lê Thị Viên thuộc diện hộ nghèo ở thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) được mời đến Chương trình "Tết nhân ái Xuân Giáp Thìn 2024" do Hội Chữ thập Đỏ tổ chức tại địa phương. Cùng với các phần quà được Ban Tổ chức trao tặng, bà Viên được phát một phiếu mua hàng miễn phí. Dạo một vòng chợ Tết 0 đồng, bà Viên đã chọn được những nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình dùng dịp Tết thay vì những túi quà được đóng sẵn.

Với phương châm tặng quà mà người dân cần và mong muốn, Chợ Tết Nhân ái do Hội Chữ thập Đỏ tổ chức đã phát huy tính dân chủ, tôn trọng sự lựa chọn, quyết định của người hưởng lợi.

Là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, thiết thực và ý nghĩa, là nơi trao gửi và san sẻ yêu thương, mang lại niềm vui cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, Chợ Tết Nhân ái thể hiện truyền thống tương thân, tương ái, lan tỏa tinh thần cộng đồng trong việc chăm lo đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, giúp họ có thêm điều kiện để vui Tết, đón Xuân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Phù Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, có nhiều dân tộc cùng sinh sống như người Mường, Thái, Kinh, Mông, Dao, Hoa, Tày... Nơi đây, cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với mong muốn sẻ chia khó khăn với đồng bào, Tết này, Trung tâm Truyền hình Nhân đạo (Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam), Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Sơn La, Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên cùng các đơn vị đồng hành, nhà tài trợ đã về với người dân xã Huy Tân cùng Chương trình "Tết Đồng bào 2024."

Trong chương trình, Chợ Tết Nhân ái được tổ chức với 14 gian hàng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu. 500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Phù Yên tham gia chương trình được tặng phiếu mua hàng miễn phí cùng quà Tết.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình "Chợ Tết 0 đồng" dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Chương trình vinh dự được Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân đến tham dự và cắt băng khai mạc.

Có mặt tại "Chợ Tết 0 đồng", ông Đỗ Văn Dũng (người dân xã An Thạnh, huyện Bến Lức) cho biết, gia đình ông thuộc diện khó khăn, vợ ông bệnh nằm một chỗ, ông phải đi làm thuê để kiếm sống. Hôm nay, Hội Chữ thập Đỏ tổ chức "Chợ Tết 0 đồng" giúp gia đình ông cũng như nhiều người nghèo khác cải thiện cuộc sống, đón Tết đủ đầy hơn, ông rất phấn khởi.

Trực tiếp tham gia đoàn công tác đến thăm, tặng quà tại phiên chợ Tết ở nhiều địa phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa chia sẻ mong muốn các cấp, ngành cùng tham gia Tết Nhân ái để xây dựng một xã hội đầy tình thương yêu. Đồng thời khẳng định, Hội Chữ thập Đỏ luôn nỗ lực là cầu nối giúp cộng đồng chung sức, đồng lòng, mang Tết ấm áp đến với gia đình chính sách, người khó khăn, hộ nghèo…

Mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập Đỏ và những người làm công tác nhân đạo các tỉnh, thành phố luôn là lực lượng nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo.

Tết ấm áp cho mọi người

Bên cạnh chăm lo về vật chất cho người yếu thế, năm nay, việc quan tâm chăm sóc về tinh thần cũng được các tỉnh, thành Hội quan tâm, đẩy mạnh, giúp mang đến những cái Tết ấm áp cho mọi người, mọi nhà.

TTXVN_0502Tetnhanai4.jpg
Các đại biểu tham dự Chương trình Tết nhân ái đóng góp ủng hộ Quỹ nhân đạo tại tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Với bà Nguyễn Thị Sái (ở thôn Trấn Thanh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái), Tết năm nay dường như đến sớm hơn khi bà được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang do Hội Chữ thập Đỏ thành phố xây dựng. Bà đã gần 80 tuổi, thường xuyên đau ốm lại không có thu nhập nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Ngôi nhà bà ở xây dựng đã lâu, xuống cấp rất nghiêm trọng.

Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, Hội Chữ thập Đỏ thành phố Yên Bái đã phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp gia đình bà xây dựng lại ngôi nhà với diện tích 90m2, trong đó Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ 50 triệu đồng. Căn nhà mới hoàn thành giúp bà Sái yên tâm hơn, an hưởng tuổi già.

Tại huyện Phù Yên, huyện miền núi thuộc tỉnh Sơn La, Tết năm nay cũng đến sớm hơn với các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Với tinh thần để mọi người, mọi nhà đều có Tết, hưởng ứng phong trào Tết Nhân ái, Trung tâm Truyền hình Nhân đạo (Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam) đã phối hợp cùng chính quyền huyện Phù Yên tổ chức Chương trình "Tết đồng bào - Chợ Tết Nhân ái" năm 2024 cho người dân trên địa bàn.

Tham gia chương trình, hàng trăm người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy cô giáo và các em học sinh vượt khó dạy tốt, học tốt của huyện Phù Yên được Ban Tổ chức trao tặng những món quà ý nghĩa.

Một trong những hoạt động ý nghĩa khác của chương trình là tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Bà con được khám sức khỏe, tư vấn cách phòng và chữa bệnh, đặc biệt là chẩn đoán được một số bệnh hiểm nghèo, giúp người bệnh sớm tiếp cận được với phác đồ điều trị.

Vừa rời khỏi khu vực khám, tư vấn sức khỏe, bà Hà Thị Ón (bản Puôi 1, xã Huy Tân, huyện Phù Yên) phấn khởi cho biết: "Bà rất cảm ơn các nhà tài trợ đã quan tâm đến sức khỏe của bà. Bà ở khu vực nông thôn không có điều kiện đi khám bệnh, giờ được khám như thế này bà mừng lắm. Các bác sỹ nói bà có bệnh xương khớp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, nhiều bệnh lắm. Bà đã được cho thuốc, được chỉ cách uống thuốc và cách phòng bệnh."

Cùng với các hoạt động thăm, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Tổ chức còn bố trí không gian văn hóa dân gian với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như Kéo co, đẩy gậy, ném pao, ném còn, giao lưu văn nghệ; hội thi giã bánh dầy của đồng bảo dân tộc Mông; trải nghiệm gói bánh chưng ống và tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường cũng như nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La

Các hoạt động diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo bà con đến tham gia, cổ vũ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện.

Anh Hờ A Do (xã Mường Thải, huyện Phù Yên) chia sẻ anh rất phấn khởi khi vừa được nhận quà vừa được tham gia những hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi của dân tộc mình trong chương trình. Đây là những món quà tinh thần mang nhiều ý nghĩa đối với anh Do và đồng bào trong bản, trong xã; qua đó động viên anh cùng người dân nơi đây tiếp tục cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Xuân Giáp Thìn đang đến rất gần. Trong tiết trời se lạnh, chồi non lộc biếc, hoa đào, hoa mai khoe sắc tại các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập Đỏ tổ chức trên khắp dải đất hình chữ S, mọi người như xích lại gần, yêu thương nhau hơn và mùa Xuân cũng ấm áp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục