Trong giới mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam nổi tiếng với biệt tài vẽ tranh về ngựa.
Những năm gần đây, người ta thấy ông vẽ tranh về những con vật trong bộ 12 con giáp khá độc đáo. Ví như Năm Quý Tỵ (2013), ông trình làng bộ tranh rắn. Và năm nay, năm Ất Mùi (2015), ông tiếp tục trình làng bộ tranh vẽ về dê.
Dê là một động vật rất gần gũi với con người. Từ xa xưa, trong văn hóa phương Đông, dê đại diện cho địa chi Mùi, một chi quan trọng mang ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc.
Nó luôn mang ý nghĩa biểu tượng cao và có giá trị tinh thần phong phú. Con dê biểu tượng cho sức sống và sự sinh sôi phồn thịnh… Con dê đực biểu tượng cho mãnh lực sinh sôi nảy nở. Dê cái lại biểu tượng cho tính ôn hòa, thuần hậu và nhanh trí…
Ở Việt Nam, cùng với gà, lợn, trâu, chó và ngựa, dê là một trong 6 con vật được người Việt thuần dưỡng từ rất sớm và rất gần gũi với đời sống của con người.
Đối với góc độ tâm linh, dê cùng với trâu và lợn là 3 con vật hay dùng để cúng tế, tục gọi là lễ tam sinh. Trong ca dao dân ca xưa, dê cũng thường hay có mặt, ví dụ như câu thành ngữ: “Cà kê dê ngỗng”, hoặc “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng”… Đặc biệt, trong y học, con dê có nhiều giá trị cao, nó dùng để chữa bệnh cho con người rất hiệu quả.
Ví dụ như huyết dê bổ huyết, tinh hoàn dê bổ thận, cao dê và sữa dê chữa chứng suy nhược cơ thể... Trong chăn nuôi, con dê rất dễ nuôi, nó chỉ cần cỏ lá, không đòi hỏi những điều kiện phức tạp gì nhiều…
Trong hội họa, tranh dân gian Đông Hồ có bức hai con dê qua cầu. Ngày nay, các họa sĩ Việt Nam cũng hay vẽ dê, nhất là những khi Tết đến xuân về. Nhân dịp năm mới, xin gửi đến bạn đọc chùm tranh Tết vẽ dê mừng xuân Ất Mùi của họa sĩ Lê Trí Dũng.