Sáng 26/1, tàu Vạn Hoa đã đưa đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra đến đảo Phú Quý (Bình Thuận) mang theo hàng hóa, thực phẩm Tết để quân và dân trên đảo chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ 2013. Sau gần 24 giờ lênh đênh trên biển, chuyến tàu Vạn Hoa 785 sau cùng cũng cập bến Phú Quý, một huyện đảo cách thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gần 60 hải lý. Trời Phú Quý trong vắt. Cảng biển lô nhô tàu khiến tầm mắt của hơn 30 con người 24 giờ qua chỉ quen với sóng và gió dịu lại. Quà Tết lần lượt được các chiến sỹ tài VH 785 bốc xuống bến. Thượng tá Đào Giang Hải, Phó chính ủy trung đoàn radar 451, mắt nhìn chăm chăm vào sâu trong lòng đảo bảo: “Với các chiến sỹ hải quân, mỗi lần quà từ đất liền gửi ra cũng có nghĩa là Tết đang đến gần.” Chiếc xe du lịch sau cùng cũng đưa chúng tôi về trạm. Gió biển lồng lộng thổi, cuốn theo cả hương muối mặn mòi. Trạm radar 575 nằm lọt thỏm giữa một vùng đất rộng, lưng tựa Núi Cấm, nhìn thẳng xuống bãi biển dài hoang hoải và trong như ngọc. Cả trạm có hơn 20 chiến sỹ, hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Trước khi tàu Vạn Hoa xa khơi, Đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Vùng 4 cho hay: "Đảo ven bờ cũng có khó khăn của đảo ven bờ. Chỉ cần gió mùa nổi lên, sóng đánh ngang mặt biển là tàu tiếp tế đã không thể vào. Anh em chiến sỹ trên đảo lại thiếu đói."
Đảo ngọc Phú Quý xanh mướt (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Thế mới có chuyện, anh em trạm 575 phải tự tăng gia sản xuất để đảm bảo đủ ăn ngày giông bão. Rồi đào giếng, rồi xây bể đợi mùa mưa tích nước ngọt dùng dần. Nói về bằng đấy khó khăn, nhưng hơn 20 chiến sỹ ở trạm mắt thần canh Nam biển Đông 575 vẫn coi đó là chuyện rất nhỏ. Trạm phó trạm, Thiếu úy Đoàn Tiến Linh, da sậm đen vì nắng gió, cười rất tươi khi nhận quà đất liền gửi. 26 tuổi, Linh trông già dặn hơn rất nhiều. Anh bảo: “Đây là năm đầu tiên em được đón Tết ở đảo khơi. Đôi lúc cũng nhớ nhà nhưng có đồng đội, đồng chí bên cạnh nên cũng vơi đi ít nhiều.” Tết với lính đảo trẻ luôn ăm ắp kỷ niệm. Linh, gần 30 tuổi đời, nhà ở tít tận Yên Định, Thanh Hóa chưa có mảnh tình vắt vai. Ở nhà, dưới Linh là 2 em nhỏ cùng bố mẹ già. Linh bảo, Tết đầu tiên ở Phú Quý vừa lạ, vừa quen. Lạ bởi, những ngày còn ở quê, cứ đến dịp này là anh xúng xính áo quần để chống lại cái rét căm căm Đông Bắc. Rồi đào phai, rồi giò lụa… Còn Tết trên đảo ngọc lại chang chang nắng, hầm hập gió biển. Đến cả cành mai, cành đào cũng khác. “Từ mấy ngày trước, anh em trong trạm đã tự làm lấy một cây mai bằng giấy đặt lên bàn thờ Tổ quốc để thêm không khí xuân trên đảo,” Linh cười hiền bảo. Cùng với thiếu úy Linh, hạ sỹ Ninh Cao Nguyên cũng tất bật chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên nơi đảo xa của mình. Nguyên, năm nay mới tròn 20 tuổi, quê ở tận Kim Sơn, Ninh Bình. Em bảo, những ngày đầu ra khơi, em cũng rất buồn và nhớ gia đình. Nhưng nhờ sự động viên của các đồng đội, đồng chí nên Nguyên càng vững tin hơn. “Nhất là đến gần Tết, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân cũng gửi lời chúc, động viên tới đơn vị, cùng với đó là những thức quà Tết được trao tận tay nên chúng em cũng vơi đi phần nào,” Nguyên thành thật.
Tàu VH 785 mang quà đất liền ra đảo xa (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Thiếu úy Linh, trạm phó trạm 575 chia sẻ thêm mỗi khi Tết đến Xuân về, cấp ủy Đảng, Chỉ huy đảo bao giờ đều có kế hoạch đón Tết và luôn coi việc chuẩn bị vui Xuân đón Tết cho cán bộ, chiến sỹ là một nhiệm vụ. Ngày Tết ở Phú Quý cũng có đầy đủ các hương vị giống như trong đất liền từ cà phê hòa tan G7, nước ngọt, bia lon, bánh kẹo, hạt dưa đỏ Sài Gòn... đến thịt lợn, thịt gà, giò... Trên bàn thờ Tổ quốc sẽ có mâm ngũ quả với chuối, bưởi, đu đủ; đặc biệt là những chiếc bánh chưng xanh mướt anh em trong đơn vị tự gói. Không khí Tết Nguyên đán ở đảo xa cũng không hối hả, ngược xuôi như đất liền, nhưng cũng không kém phần vui tươi, đầm ấm. Đêm giao thừa, đảo sẽ tổ chức hái hoa dân chủ, thi hát karaoke. Khi đồng hồ chuyển dần về thời khắc giao thừa, tất cả cán bộ, chiến sỹ đều tập trung về hội trường lớn của đảo để̀ cùng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua cầu truyền hình trực tiếp, sau đó nghe Chỉ huy đảo chúc Tết. Sáng mùng một Tết, tất cả bộ đội sẽ chào cờ đầu năm mới. Ngoài ra, trong những ngày Tết cổ truyền, đảo cũng sẽ tổ chức thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ vua, cờ tướng... Vui Xuân đón Tết trên biển trong thời khắc giao thừa đôi lúc không tránh khỏi những phút nhớ nhà nhưng mỗi người lính trẻ trên đảo xa đều vững vàng vượt qua vì niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân cả nước - hậu phương lớn đang hướng về biển đảo./.
Hoàng Nhật (Vietnam+)