Giống như không khí trên mọi miền của Tổ quốc, những ngày cận Tết này, tại thành phố Thanh Hóa, ai ai cũng hối hả, tất bật chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết no ấm, đầy đủ.
Trên những đường phố lộng lẫy cờ hoa, dòng người, dòng xe ngược xuôi hối hả chiều cuối năm vội về với gia đình mình để ăn bữa cơm tất niên, chuẩn bị đón Giao thừa thì vẫn còn đó những người công nhân môi trường cần mẫn như những con ong chăm chỉ chăm chút cho từng nhành cây, ngọn cỏ, gìn giữ cho đường phố luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Tại thành phố Thanh Hóa chiều 30 Tết, người dân thành phố đi sắm Tết, chơi Tết sẽ để ý nhiều hơn đến cờ hoa lộng lẫy, băng rôn, khẩu hiệu, hay những chậu cây cảnh được trang trí, những luống cây được chăm sóc tỷ mỷ, nếu để ý hơn, hẳn sẽ nhận ra hình ảnh quen thuộc của những người công nhân vẫn miệt mài, từng ngày, từng giờ chăm bón cho những luống cây, ngọn cỏ, cần mẫn đẩy xe chở rác, dọn dẹp vệ sinh đường phố.
17 giờ chiều, dường như hoạt động mua sắm Tết của người dân thành phố đã xong xuôi, các cửa hàng, kiốt tại khu vực chợ Vườn Hoa trung tâm thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ, tắt đèn, đóng cửa, thì lúc này công việc của những công nhân dọn dẹp, thu gom rác thải mới thực sự bắt đầu một ngày làm việc nặng nhọc.
Cuối năm, ai cũng muốn nhanh chóng chở về với gia đình, chở về với mái ấm bé nhỏ của mình để cùng nhau xum vầy, chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, nhưng đối với những người công nhân môi trường thì chưa bao giờ họ dám nghĩ đến điều đó. Bởi khi đường phố còn rác, còn bừa bộn thì họ chưa thể yên tâm đón Tết.
Đang tất bật với công việc tại khu vực cổng chợ Vườn Hoa, phía đại lộ Lê Lợi, chị Thanh, một công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hoá vẫn dành cho chúng tôi chút ít thời gian để trao đổi về công việc của mình. Chị tâm sự: Công việc vệ sinh môi trường là công việc quanh năm, suốt tháng, ngày nào cũng như ngày nào.
Nhưng những ngày cận Tết này thì công việc của các chị bận hơn, khối lượng công việc cũng nhiều hơn, thậm chí còn phải làm việc bằng 2, bằng 3 lần năng suất hằng ngày. Nhưng chị và các anh chị em khác trong tổ vẫn vui tươi, hắng hái với công việc này. Ai ai cũng hối hả để sớm xong việc, sớm trở về với gia đình mình.
Chị Thanh cho biết thêm, nhiệm vụ của chị phải thu gom, vận chuyển rác khu vực cổng chợ này, chiều cuối năm nào cũng vậy, cứ phải đến 21 giờ tối thì mọi việc mới cơ bản hoàn tất.
Tại khu vực Quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, nơi những ngày gần đây được trưng dụng làm nơi tổ chức chợ hoa, chợ cây cảnh, chợ bán hàng tiêu dùng phục vụ Tết. Chiều muộn cuối năm, các gian hàng đã thu gom đồ đạc, vận chuyển các sản phẩm hàng hóa chưa bán được về với gia đình. Người đi rồi, hàng đi rồi để lại nơi đây sự ngổn ngang nào là cành đào, gốc quất, rác rưởi bừa bộn khiến cho công việc của tổ công nhân vệ sinh môi trường tại đây vất vả hơn.
Anh Tùng, một công nhân vệ sinh môi trường đang tất bật với công việc của mình, anh hối hả với tay chổi, tay xẻng, bằng những thao tác nhanh nhẹn, thuần thục mong sớm xong công việc của mình tâm sự, làm nghề này phải xác định là nghề phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Khi mọi người làm việc thì mình làm việc, nhưng khi mọi người nghỉ ngơi thì mình vẫn phải tiếp tục với công việc của mình.
Khi được hỏi đi làm về muộn thế này thì lấy đâu ra thời gian sắm Tết cho gia đình, anh cho biết, tranh thủ những lúc nghỉ trưa, nghỉ giãn ca mình mới có thời gian đi sắm Tết, gia đình cũng đã chuẩn bị được đầy đủ bánh chưng, giò, cành đào, cây quất để đón một cái Tết đầm ấm.
Anh cho biết, mình đã theo nghề này được hơn chục năm, với nhiều kỷ niệm khó quên. Anh nhớ, có lần cách đây vài năm, công việc bề bộn quá, một người trong nhóm lại phải nghỉ đột xuất nên ai cũng phải gánh vác nhiều hơn công việc hằng ngày.
Hôm đó, ai cũng cố gắng nhưng công việc xong muộn, do nhà anh ở xa trung tâm nên khi về đến nhà, chỉ kịp tắm rửa, vệ sinh cá nhân xong thì cũng đúng lúc chuông đổ báo hiệu giờ Giao thừa đến.
Chiều chuyển dần sang tối, tại thành phố Thanh Hóa lất phất những hạt mưa Xuân, trời trở lạnh hơn, nhưng những công nhân vệ sinh môi trường dường như không để ý đến điều đó, trái lại họ càng cảm thấy lòng mình ấm hơn khi thấy công việc hằng ngày của họ đã, đang và sẽ góp phần làm cho thành phố sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, ngày lao động cuối năm của họ góp phần làm cho thành phố lộng lẫy hơn, không khí đón Xuân, đón Tết đầm ấm hơn./