Tết của những người 360 ngày đo gió, đếm mây ‘bắt bệnh ông trời’

Với những người đo gió, đếm mây để “bắt bệnh ông trời,” dù ở đồng bằng, miền sơn núi hay biển đảo, thì công việc trong ngày Tết vẫn "quay" như bao ngày bình thường khác.
Tết của những người 360 ngày đo gió, đếm mây ‘bắt bệnh ông trời’ ảnh 1Công tác quan trắc tại Trạm khí tượng và hải văn Song Tử Tây. (Nguồn ảnh: Tổng cục khí tượng thủy văn)

Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt, là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau một năm dài vất vả ngược xuôi. Thế nhưng, với những người đo gió, đếm mây để “bắt bệnh ông trời,” dù ở đồng bằng, miền sơn núi hay biển đảo, thì công việc vẫn… quay theo 360 ngày.

Thế nên, với những “người lính” khí tượng, Tết cũng không khác ngày thường. Ngay cả đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao năm mới, họ vẫn thay nhau làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để người dân có thông tin thời tiết chính xác nhất.

Quan trắc không giới hạn thời gian

Xưa nay, thời tiết luôn là một khái niệm thuộc về phạm trù của tự nhiên. Bởi thế, người ta mới nói đùa với nhau rằng “nắng, mưa là chuyện của Trời.”

Thế nhưng, dưới những tác động bất thường của biến đổi khí hậu, thời tiết cũng ngày càng “ẩm ương,” khiến con người không thể ngồi yên hay đứng nhìn. Thế nên mới phải có những người túc trực ngày đêm để “đo gió, đếm mây.” Đó chính xác là công việc của những cán bộ, chuyên gia quan trắc khí tượng thủy văn.

Một cán bộ đang công tác ở Tổng cục Khí tượng thủy văn chia sẻ với tôi rằng khí tượng thủy văn là ngành tương đối đặc thù, không có biên giới, vùng địa lý nên việc quan trắc khí tượng cũng không có giới hạn về thời gian. Việc quan trắc phải diễn ra liên tục 24/24, từ ngày tới đêm nên ngày lễ, không được dừng.

[Liệu có xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan dịp Tết Nhâm Dần?]

Điều trăn trở là, nếu như ở miền sơn cước, nơi chỉ có trùng trùng núi đá, mây rừng, các cán bộ, những người quan trắc viên phải “ăn dầm” với mưa rừng, thu mình trong cái buốt giá của mùa Đông, thì với những “người lính” quan trắc khí tượng hải văn ở ngoài biển đảo - nơi chỉ có sóng với gió, nỗi buồn còn lớn hơn nhiều.

Để thấu hiểu hơn về công việc của họ, thông qua mối quan hệ riêng, tôi đã kết nối với Nguyễn Hoàng Minh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Tổng cục Khí tượng thủy văn) - đây là trạm hạng 1, nằm ở vị trí chiến lược phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, do yếu tố công việc cuối năm bận rộn, nên phải mất nhiều ngày, tôi mới “gặp” được Minh qua cuộc trò chuyện online, kết nối đất liền với biển đảo.

Qua màn hình điện thoại, khó có thể tin Minh thuộc thế hệ 8X, bởi nét mặt già dặn được “chăm sóc” bởi sóng gió lẫn vị mặn của biển. Nhưng đổi lại, anh có đôi mắt tinh anh và nụ cười luôn tỏa sáng bởi niềm tự hào của một “người lính” Trường Sa thân yêu.

Trong câu chuyện với người viết, anh Minh cho biết Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, xa đất liền nên hàng năm, trạm thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rất nhiều hiện tượng thời tiết xấu, nhất là các cơn bão.

Các quan trắc viên làm việc tại trạm, mỗi người ở một địa phương khác nhau nhưng khi được phân công ra Trường Sa làm việc, tất cả đều gắn bó, chia sẻ, quý nhau như người thân của mình. Công việc hàng ngày của các quan trắc viên là ghi chép các số liệu bao gồm độ ẩm, sóng biển rồi quan trắc tầm nhìn ngang, các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt nước biển, bốc hơi, nhiệt kế khô, nhiệt kế ướt…

Tết của những người 360 ngày đo gió, đếm mây ‘bắt bệnh ông trời’ ảnh 2Nguyễn Hoàng Minh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây. (Ảnh: Cắt từ clip/Vietnam+)

Tất cả những con số này được các quan trắc viên ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, với độ chính xác tuyệt đối, sau đó sẽ chuyển về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Cuối cùng, số liệu được gửi về Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để các chuyên gia phân tích, xử lý thành bản tin dự báo thời tiết hằng ngày.

Quan trọng nhất là thông tin

Chia sẻ thêm về công việc đặc thù của ngành khí tượng thủy văn, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng với người làm công tác khí tượng thủy văn, công việc là “một vòng quay không thể dừng.”

Ngay như ngày cuối năm này, không khí đón Tết rộn ràng nơi nơi, nhưng những “người lính” quan trắc khí thượng thủy văn, hải văn vẫn thay nhau làm việc, vẫn trực ca, lặng lẽ với công việc để người dân có thông tin thời tiết chính xác nhất.

Dẫn ví dụ một số năm đã xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa dông, bão sớm hay bão muộn, ông Khiêm nhấn mạnh rằng đây là những hình thái nguy hiểm. Tuy nhiên, nhờ kịp thời đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo, người dân đã chủ động được các phương án phòng, tránh để những thiệt hại nặng nề không xảy ra.

Hiểu được những khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân viên trong ngành, vào những ngày lễ, ngày Tết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng tham gia vào ca trực; trực tiếp gọi điện thăm hỏi, động viên các cán bộ, nhân viên đang công tác xa nhà tại các vùng núi, biển và hải đảo, để họ vững tâm vượt qua khó khăn, tận tụy, tâm huyết với nghề “bắt bệnh ông Trời.”

Như trường hợp Nguyễn Hoàng Minh, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn, hơn 10 năm gắn bó với khí tượng thì cũng ngần ấy năm phải ăn Tết xa gia đình. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, vào những ngày gần Tết, từng chuyến tàu lại mang “hương vị Tết” từ đất liền ra với Minh và các anh em trên đảo.

Thế nên, dù ở ngoài đảo nhưng Tết của những “người lính” khí tượng vẫn đầy đủ bánh chưng, thịt, giò như mọi nơi. Chỉ khác là không có sự náo nhiệt. Xung quanh chỉ có máy móc, thiết bị, sóng gió và biển trời bao la...

“Thật lòng, ngày Tết ai cũng muốn sum họp, quây quần bên người thân, nhưng đã lựa chọn cái nghề ‘đo gió, đếm mây’ này thì luôn xác định nhiệm vụ là trên hết. Với chúng tôi, Tết quan trọng nhất vẫn thông tin gửi về đất liền,” anh Minh chia sẻ.

Với tinh thần đó, suốt hơn 10 năm qua, cá nhân anh Minh cũng như các quan trắc viên khác của trạm vẫn luôn tự thấy mình có một vinh dự rất lớn, đó là được góp sức nhỏ bé vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, của biển đảo quê hương, thông qua công việc quan trắc hằng ngày của ngành khí tượng thủy văn.

Chính vì thế, vào thời khắc giao thừa, cũng là thời khắc đón chào năm mới, các quan trắc viên của trạm, ai cũng muốn được thực hiện ca trực. Những số liệu quan trắc được, sau khi hoàn thiện sẽ nhanh chóng được gửi về đất liền để phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo, giúp mọi mọi người có thông tin thời tiết chính xác nhất.

“Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phúc tạp, dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục có nhiều hiện tượng thời tiết phúc tạp xảy ra. Tuy nhiên, với sự đoàn kết của tập thể trạm, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao,” anh Minh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục