Những ngày này, đến với các ngôi chùa hay các phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ, du khách phương xa sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bàlamôn giáo.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmay” là “Năm Mới.”
Theo quan niệm của đồng bào, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được đồng bào coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi. Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hằng năm.
Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.
Nếu như tiết thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc, sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Năm mới Chôl Chnăm Thmây với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai.
Trong khi người Việt và Hoa ăn Tết năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn Tết năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa. Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer.
[Chủ tịch nước chúc Tết cổ truyền ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer]
Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây vào tháng 4 theo Dương lịch là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là của các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á, trong đó đồng bào Khmer Nam bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa. Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.
Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm.
Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.
Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).
Đối với người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy tất cả các lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chôl Chnăm Thmây.
Trong ngày Tết đầu tiên - Chôl sangkran Thmây, người Khmer sẽ chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự, mang theo lễ vật nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran,” đồng thời diễu hành 3 vòng chung quanh chính điện để đón chào Têvêđa. Tối đến sẽ tổ chức các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như hát, múa dukê, robăm, ramvông...
Ngày Tết thứ hai - Wanabot (năm nhuận tổ chức 2 ngày), mọi người bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ. Buổi chiều theo sự hướng dẫn của vị Achar, mọi người làm lễ “Đắp núi cát” (Puôn-Panum-Khsách) ngay tại khuôn viên chùa để mong gặp được điều lành. Tập tục này gắn với thuật cầu mưa của người xưa.
Ngày Tết thứ ba - Lơn-sắtk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật. Trong làn khói hương, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Trời Phật gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi và được mùa.
Đến trưa mọi người về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, rồi chúc mừng ông bà, cha mẹ và dâng bánh để tạ ơn. Cũng có khi họ tổ chức lễ tắm ông bà, cha mẹ, tượng trưng cho sự báo hiếu.
Cũng giống như phong tục của người Kinh, ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây cũng là thời gian những người con Khmer từ nơi làm việc, học tập lại trở về với gia đình, quê hương, để mỗi gia đình lại sum họp, đầm ấm đón mừng năm mới bên nhau, thăm họ hàng, gia tộc, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt...
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian, như thả diều, đánh quay lửa hay nghe các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu; thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm...
Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét, Tết năm mới của đồng bào Khmer còn cho thấy tàn dư của đạo Bàlamôn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày Tết này. Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.
Do thấm đẫm triết lý vô thường của Phật giáo nên Tết năm mới chính là dịp thuận tiện nhất để đồng bào Khmer “làm phước.” Do đó phần lớn các lễ hội Khmer đều được gọi là “Bund”, nghĩa là “đám phước” theo tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo. Chính điều này làm nên vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tính cách an nhiên, hiếu hòa rất đáng trân trọng của đồng bào Khmer Nam Bộ./.