Từ ngày 1/2, tức (23 tháng Chạp), cũng là ngày sinh viên chính thức được nghỉ Tết, các trường đại học như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, ký túc xá Pháp Vân, Đại học Quốc Gia Hà Nội bắt đầu mở cửa chào đón người vô gia cư.
Chiến dịch này kết thúc tùy theo thời gian sinh viên trở lại các trường, khoảng sau ngày mùng 6 Tết.
Đại học Kinh tế Quốc dân có 10 phòng sẵn sàng đón người có hoàn cảnh khó khăn, không thể về sum họp gia đình vào ở. Tết này, trường đón 2 người vô gia cư ngủ gầm cầu về ký túc xá của trường để nghỉ ngơi, tránh cái rét lạnh cắt da cắt thịt và đón một cái Tết an lành, ấm áp.
Trường Đại học Ngoại thương cũng đã sắp xếp, dành ra 4 phòng trên tầng 2 tại khu kí túc xá của sinh viên quốc tế để đón người vô gia cư đến ở. Các căn phòng này được trang bị đầy đủ tiện nghi, có bình nóng lạnh, quạt thông gió, đèn điện, chăn, chiếu.... Mỗi phòng rộng hơn 20m2.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết (sinh năm 1954) không giấu được xúc động khi được đưa về ký túc xá của trường Kinh tế Quốc dân để nghỉ ngơi. Ông rất vui mừng khi nhà trường tạo điều kiện chỗ ăn ở hỗ trợ cho những người vô gia cư để đón Tết ở Thủ đô.
Ông Quyết tâm sự, quê ông ở xã Hà Hồi (Thường Tín) nhưng lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề vá xe đã nhiều năm nay. “Nghĩ đến quê nhà mà thấy chạnh lòng lắm. Tôi lâu lâu mới dám về quê, các con tôi đã lập gia đình, mỗi đứa một nơi nên lên trên này sống với nghề vá xăm lốp, ngày chịu khó cũng kiếm được vài chục nghìn. Ngày mưa rét thì không có khách.”
Công việc của ông nay gầm cầu này, mai ở chỗ khác quanh quẩn quanh địa bàn quận Hoàng Mai nên tiện làm ở đâu thì đêm hôm ông lại rải chăn chiếu ngủ ở đó.
Tối 2/2, ông được một bạn sinh viên đi đường bắt gặp khi đang nằm ngủ ở dưới gầm cầu gần trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên đã đón về ký túc xá của trường ở tạm.
“Về đây ở trong phòng, tôi thấy ấm áp lắm, mọi người trong ký túc cũng rất quan tâm đến tôi nên cũng đỡ tủi thân phần nào,” ông Quyết nghẹn ngào khi nói về Tết, ông tỏ ra buồn vì với ông, nó như một cái gì đó xa vời.
“Mỗi khi tết về tôi buồn lắm, vợ con thì không có, về cứ lủi thủi một mình. Một hai hôm nữa tôi sẽ về quê để thắp hương cúng tổ tiên rồi lại ra đây làm thôi. Ở nhà không ai thân quen buồn tủi lắm”, ông Quyết rơm rớm.
Cùng hoàn cảnh như ông Quyết, cô Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị mù một mắt từ lúc nhỏ cũng sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, tìm kiếm làm đủ nghề để trang trải cuộc sống bản thân.
“Tối 24 tháng Chạp, tôi được các bạn sinh viên đưa về đây. Ở đây ấm áp và thân thiện nên tôi vui lắm”, cô Hằng nói.
Cô Hằng chia sẻ, cô sống đơn độc từ bé, có một người con trai năm nay 12 tuổi nhưng sống cực khổ nên đã gửi cho cho ông bà ngoại chăm sóc. Bản thân hằng ngày ai thuê gì làm nấy với đủ thứ nghề từ bưng bê, rửa bát thuê… Cô cũng cho cho biết, ở tạm ký túc xá một hai hôm nữa làm thuê rồi cô cũng trở về nhà để lo Tết cho đứa con của mình.
Trao đổi với VietnamPlus, ông Cấn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã tiếp nhận 2 trường hợp người vô gia cư đến sinh hoạt.
“Khi tiếp nhận người dân chúng tôi đã mời họ về phòng lo chỗ ăn chỗ ngủ tử tế, có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt và khai báo tạm trú với công an phường. Nhà trường cũng sẵn sàng tiếp đón những người dân vô gia cư, khốn khó có nơi ăn ở và căn cứ vào từng trường hợp cực khổ để hỗ trợ họ có cái tết ấm áp nhất”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện các trường đón người vô gia cư vào ở trong dịp Tết cho biết, cách thức đăng kí để đến ở rất đơn giản. Mọi thủ tục liên quan đến việc đón người vô gia
cư đã được các đơn vị thông báo và xin phép ủy ban nhân dân cấp phường, xã. Những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần đến trực tiếp và đăng kí với ban quản lý khu kí túc xá của trường có thể ở lại đây đón Tết.
Ngoài ra, người dân muốn đến thăm hỏi, động viên người vô gia cư trong dịp Tết có thể liên hệ qua ban quản lý ký túc xá của trường để nhanh chóng được vào. Mong rằng với sự giúp đỡ nhỏ bé nhưng chan chứa nghĩa tình, những người vô gia cư sẽ được đón một cái Tết bình an và ấm áp./.