Ngày 20/11, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, cho biết đã hoàn thành đợt 3 xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy này ra Thái Bình Dương.
Giống như hai đợt xả thải trước đó, trong đợt 3 này, TEPCO xả khoảng 7.800 tấn nước thải đã qua xử lý ra vùng biển cách bờ khoảng 1km thông qua một đường hầm dưới biển.
Dự kiến, TEPCO sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xả thải đợt 4 trong tài khóa hiện nay (đến hết tháng 3/2024). Tính cả 4 đợt xả, TEPCO sẽ xả khoảng 31.200 tấn nước đã qua xử lý.
Nhật Bản: Giữ nguyên phán quyết trắng án với cựu lãnh đạo TEPCO
Lượng nước này được xả thông qua một hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, có khả năng loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ chất triti. Đây là lượng nước được dùng để làm mát những thanh nhiên liệu hạt nhân nóng chảy, hòa trộn với nước mưa và nước ngầm nhưng đã qua xử lý đảm bảo an toàn.
Trong vòng 3 thập kỷ tới, TEPCO có kế hoạch xả 1,34 triệu tấn nước chứa trong hơn 1.000 bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trước khi xả, nước thải sẽ được pha loãng với nước biển để giảm nồng độ triti còn lại xuống còn 1/40 - mức cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản.
Kể từ khi bắt đầu xả thải hồi tháng 8/2023, TEPCO cho biết đã triển khai công tác phân tích và đánh giá nồng độ triti trong môi trường xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Kết quả cho thấy nồng độ triti là 22 becquerel (bq)/l, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 10.000 bq/l mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra đối với nước uống.
Theo TEPCO và Chính phủ Nhật Bản, hoạt động nói trên đóng vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại nặng nề sau thảm họa động đất gây sóng thần năm 2011./.