Tê tê chết tại “nhà xác đông lạnh” ở Sóc Sơn sẽ được xử lý thế nào?

Thời gian qua, hàng trăm cá thể tê tê được cơ quan chức năng các tỉnh "giải cứu" về Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội đã bị chết, vậy số tê tê này sẽ được xử lý thế nào?
Tê tê chết đang được bảo quản đông lạnh ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Như thông tin VietnamPlus đã phản ánh, từ năm 2015 đến nay, hàng trăm cá thể tê tê quý hiếm được cơ quan chức năng các tỉnh “giải cứu” về Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội với mục đích chăm sóc để tái thả về tự nhiên, song hầu hết tê tê đã bị chết.

Cho đến nay, hàng loạt cá thể tê tê bị chết vẫn đang phải nằm trong “kho nhà xác động vật đông lạnh” của Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Hà Hội ở huyện Sóc Sơn. Trong số đó, có rất nhiều cá thể bảo quản dài ngày đã bốc mùi hôi thối.

[Video bất lực với cuộc "khủng hoảng" tại kho nhà xác tê tê ở Sóc Sơn]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Ngô Bá Oanh, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, từ năm 2015 đến nay, trung tâm tiếp nhận gần 300 cá thể tê tê từ cơ quan chức năng các tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn số tê tê được cứu hộ đã chết do bị “con buôn” nhồi nhét thức ăn, sức khỏe quá yếu.

“Sau khi tê tê chết, chúng tôi đã tiến hành bảo quản đông lạnh. Lý do là, phần lớn tê tê được chuyển về trung tâm là tang vật của các vụ án buôn bán động vật hoang dã trái phép chưa được xử lý hình sự, nên trung tâm phải có trách nhiệm bảo quản cho đến khi vụ án kết thúc,” ông Oanh nói.

Tê tê chết đang được bảo quản tại kho nhà xác đông lạnh ở Sóc Sơn. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vậy đối với những cá thể tê tê bị chết, hiện đang được bảo quản đông lạnh, sau khi vụ án kết thúc sẽ được xử lý thế nào?

Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, ngay sau khi vụ án được xét xử, trung tâm sẽ thành lập Hội đồng tiêu hủy bao gồm đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, cơ quan kiểm sát, cơ quan thú ý... tiến hành tiêu hủy theo quy trình khép kín là đưa vào lò thiêu để đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Việc tiêu hủy động vật hoang dã sau khi chết là để đảm bảo môi trường theo quy định của pháp luật, song việc này cũng rất lãng phí. Bởi trên thực tế có những loài động vật có giá trị kinh tế rất cao. Trước đây, sau vụ án tê tê có thể đem đấu giá để thu ngân sách, nhưng hiện nay tất cả tang vật đều phải tiêu hủy,” ông Oanh chia sẻ thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục