Bác thông tin cứu trợ

TBN và Italy bác thông tin về gói cứu trợ tổng thể

Tây Ban Nha và Italy bác thông tin cần một gói cứu trợ tổng thể sau khi các thị trường tài chính châu Âu đồng loạt giảm điểm mạnh.
Tây Ban Nha và Italy ngày 2/8 đã bác bỏ thông tin cho rằng hai nền kinh tế lớn này cần một gói cứu trợ tổng thể sau khi các thị trường tài chính châu Âu đồng loạt giảm điểm mạnh do thất vọng trước việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không công bố các biện pháp ứng phó mới nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone).

Trước đó, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ kết thúc vào chiều 2/8, Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi đã công bố tại thời điểm này, ECB không đưa ra những biện pháp tức thời để làm dịu bớt áp lực nợ công tại Eurozone, nhưng sẽ có biện pháp can thiệp để hạ bớt các chi phí vay mượn của các quốc gia nợ nần.

Quyết định này của ECB đã dập tắt hy vọng của giới đầu tư vào một kế hoạch kích thích kinh tế ngay tức thì nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và, khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới, đặc biệt tại Madrid và Milan, ngập tràn sắc đỏ.

Thông tin từ ECB cũng làm thị trường hết sức thất vọng khi mới trong tuần trước, chính ông Draghi đã cam kết ECB "sẽ làm mọi việc có thể để cứu đồng euro".

Mặc dù vậy, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và người đồng cấp Italy Mario Monti vẫn hoan nghênh thông báo của ECB về việc ngân hàng này có thể nối lại kế hoạch mua trái phiếu chính phủ giúp giảm lãi suất vay bằng đồng euro đang ở mức cao kỷ lục, đe dọa các nước không thể tiếp cận được với thị trường.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Italy Monti ở Madrid (Tây Ban Nha), ông Rajoy cho biết Madrid và Rome mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với nhau để vượt qua cơn bão nợ công hiện nay.

Đề cập đến gói cứu trợ tổng thể từ các thể chế tài chính quốc tế, cả ông Rajoy và ông Monti khẳng định Tây Ban Nha và Italy đều chưa thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo này cho biết có thể nghiên cứu các hình thức xin cứu trợ, được xem như những hành động can thiệp nhằm ngăn chặn lãi suất cao (trên 7%) hiện nay.

Theo ông Rajoy, cả hai thành viên lớn trong Eurozone này đều đang thực thi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" như cắt giảm chi tiêu và tăng thuế nhằm kiểm soát tài chính và hạ lãi suất vay.

Ông giải thích: "Chúng tôi đều nhận thức được rằng chúng tôi đang đòi hỏi những nỗ lực quá lớn từ người dân, nhưng đây là giải pháp duy nhất để có thể thoát khỏi khủng hoảng".

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi châu Âu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại khu vực này đang làm giảm đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong thông báo đặc biệt ra ngày 2/8, IMF khẳng định việc nới lỏng tiền tệ nhiều hơn với những gói hỗ trợ tài chính không theo thông lệ sẽ làm giảm những căng thẳng trên thị trường.

Các nhà phân tích cũng cho rằng hành động của ECB chứng tỏ ngân hàng này đã sẵn sàng hành động, nhưng chưa có biện pháp nào cụ thể.

Liên quan đến tình hình kinh tế tại châu Âu, ngày 2/8, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã hạ chỉ số tín nhiệm dài hạn của Cộng hòa Síp xuống mức BB, kèm theo triển vọng tiêu cực, nhấn mạnh đến việc Nicosia đang phải tìm kiếm gói cứu trợ tổng thể trị giá 11 tỷ euro.

Tuyên bố của S&P có đoạn: "Chúng tôi dự kiến Síp sẽ thương lượng về một gói viện trợ tài chính trị giá 11 tỷ euro, hay tương đương với trên 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục