Tây Ninh xây nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu 1.500 tỷ đồng

Được xây dựng trên diện tích 15ha, Nhà máy gồm nhiều dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi sẽ được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Tây Ninh xây nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu 1.500 tỷ đồng ảnh 1Lễ khởi công nhà máy. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Ngày 2/5, tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Công ty Cổ phần Lavifood đã tổ chức lễ động thổ xây dựng Nhà máy Tanifood, với nhiều dây chuyền sản xuất các sản phẩm trái cây xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Dự án do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tanifood (thành viên của Lavifood) làm chủ đầu tư, nằm trên trục Quốc lộ 22B cách Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 55km).

Được xây dựng trên diện tích 15ha, Nhà máy gồm nhiều dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi như dây chuyền xử lý nhiệt công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm… Sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

[Chuối “ế” và câu chuyện “giải cứu” nông sản của Việt Nam]

Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood, cho biết mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 là sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, chanh dây, dứa, thanh long… Như vậy, tất cả những nguyên liệu được người nông dân trồng và tham gia vào chuỗi giá trị ở tỉnh Tây Ninh sẽ được nhà máy bao tiêu toàn bộ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho rằng việc nhà máy thu mua toàn bộ nông sản giúp giảm thiểu hao hụt sau khi thu hoạch và gia tăng thu nhập cho nông dân là điều tỉnh đang hướng đến.

Về định hướng chọn nông nghiệp sạch để phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh, ông Phạm Văn Tân cho biết thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các nhà đầu tư, nhà khoa học đã chủ động bàn bạc, học hỏi mô hình, khảo sát thị trường tại các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sau đó, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều hội thảo bàn đến những giải pháp cốt yếu.

Do đó, việc một nhà máy quy mô lớn, công nghệ cao của chuỗi giá trị được xây dựng chắc chắn sẽ kéo theo các khâu còn lại của toàn bộ chuỗi giá trị (chợ đầu mối, viện giống, phân bón, trung tâm hỗ trợ nông dân, kho vận, hạ tầng) sẽ được các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho tỉnh Tây Ninh.

Phát biều tại lễ động thổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định sự kiện xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Tây Ninh đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tây Ninh.

“Có nhà máy tốt phải có vùng nguyên liệu tốt, không thể lõm bõm mỗi chỗ một cây, mỗi chỗ một vùng, thì không bao giờ có nguyên liệu tốt. Do đó, chính quyền địa phương phải rà soát lại quy hoạch, lựa chọn đối tượng sản xuất, không cần sản xuất quá nhiều loại cây. Trước mắt chọn ra một số đối tượng để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa chủ lực, đồng thời xây dựng một nền nông nghiệp đa dạng sinh thái có thể gắn với dịch vụ du lịch," ông Cường đề nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục