Tây Ninh: Vinh danh 6 nghệ nhân ưu tú về di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 29/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức trao tặng danh “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất cho 6 cá nhân của tỉnh đã có sự cống hiến trong việc bảo vệ và gìn giữ nét văn hóa phi vật thể.
Quang cảnh buổi trao tặng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ngày 29/12, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức trao tặng danh “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất cho 6 cá nhân của tỉnh.

Đó là ông Nguyễn Thế Long, (sinh năm 1950, ở phường 3, thành phố Tây Ninh) đã có 24 năm hoạt động trong nghề tạo hình Bonsai các cây cổ thụ có nguồn gốc Việt Nam; ông Đỗ Văn Trượng (sinh năm 1941, ở phường 3, thành phố Tây Ninh) ông Huỳnh Hữu Trí (sinh năm 1950) và ông Trần Văn Xén (sinh năm 1957) cùng ở huyện Hòa Thành đã có nhiều sáng chế và lưu giữ các nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, múa trống Chhay-dăm; bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (sinh năm 1964) và ông Hà Văn Hồng (sinh năm 1947) biểu diễn, truyền dạy một số điệu múa dân gian như múa Rom Vong, múa Lăm Leo, múa Saravan của người dân tộc Khmer...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá cao sự cống hiến của các nghệ nhân trong việc bảo vệ và gìn giữ nét văn hóa phi vật thể của tỉnh; đồng thời đề nghị các ngành, các cấp trong thời gian tới cần tạo điều kiện tối đa để các nghệ nhân ưu tú có sân chơi biểu diễn thực thụ, nhằm phục vụ cộng đồng, lưu giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau.

Tây Ninh hiện có 86 di tích được xếp hạng gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp Quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận gồm: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, lễ kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay-dăm và nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng-Tây Ninh, đã cho thấy sự đóng góp không ít công sức của các nghệ nhân trong tỉnh để hình thành, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục