Tây Ninh phục hồi kinh tế sau đại dịch: Tín hiệu phát triển tích cực

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời từng bước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phục hồi, phát triển sản.
Công nhân làm việc trong một công ty sản xuất thảm cỏ nhân tạo ở Khu công nghiệp Phước Đông. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa phương phát triển kinh tế năng động, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế phía Nam và tỉnh Bình Dương, Tây Ninh được xem là địa phương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn là cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng với Campuchia và các nước ASEAN.

Sau đại dịch COVID-19, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời từng bước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phục hồi, phát triển sản xuất.

Tỉnh cũng có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống.

[Tây Ninh: Đẩy mạnh chuyển đổi chính quyền số, kinh tế số và xã hội số]

Tính đến thời điểm này, tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã trở lại bình thường và có chiều hướng phát triển tốt.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 đạt trên 11%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước.

Qua đó, Tây Ninh vẫn chứng tỏ là nơi đầu tư thuận lợi cùng với những chính sách phục hồi kinh tế-xã hội có hiệu quả.

Môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959ha; trong đó có 5 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 63,4%.

Hầu hết các khu công nghiệp đã đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đúng theo tiến độ đăng ký như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện, chiếu sáng, trồng cây xanh... theo quy hoạch được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu về thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp.

Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh Hà Văn Cung cho biết tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, thị trường ổn định.

Đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài, quan tâm lựa chọn nhà đầu tư uy tín, công nghệ tiên tiến, có khả năng liên kết và chuyển giao với doanh nghiệp trong nước, nhằm khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực tại địa phương.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chúng tôi đến huyện Gò Dầu, nơi được xem là “thủ phủ công nghiệp mới” của Tây Ninh.

Khu vực trung tâm huyện Gò Dầu được xem là thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Tây Ninh, thu hút tập trung vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nằm trên trục đường xuyên Á, có Quốc lộ 22B, dọc sông Vàm Cỏ Đông, Gò Dầu đang cố gắng tận dụng tối đa những tiềm năng, hướng tới xây dựng khu phát triển công nghiệp mạnh mẽ nhất tại Tây Ninh.

Huyện Gò Dầu có khoảng hơn 153.000 người, cũng là nguồn nhân lực lớn cho các khu công nghiệp, đảm bảo cung cấp đủ lao động làm việc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tại huyện Gò Dầu, khu công nghiệp Phước Đông là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Tây Ninh, đi vào hoạt động từ năm 2008, có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD, với quy mô diện tích 2.190ha.

Khu công nghiệp Phước Đông có nhiều lợi thế chiến lược về vận chuyển đường bộ và đường thủy nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thị trường các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan.

Nhờ đó, khu công nghiệp này tạo được sức hút lớn và giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa.

Hiện Khu công nghiệp Phước Đông thu hút được gần 50 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt 5,95 tỷ USD; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt gần 60% diện tích đất trong khu công nghiệp.

Đầu tư tại khu công nghiệp Phước Đông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn CCGrass Việt Nam thuộc Công ty CCGrass của Trung Quốc, chuyên sản xuất thảm cỏ nhân tạo dành cho sân bóng đá, có tổng vốn dự án giai đoạn 1 là 58 triệu USD, giai đoạn 2 diện tích quy hoạch tăng gấp đôi, tổng vốn đầu tư dự kiến là 150 triệu USD.

Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn CCGrass Việt Nam Han Zhi Cheng cho biết: “Lần đầu tiên đến thị trường Việt Nam, công ty đã đi khảo sát rất nhiều nơi để lựa chọn đầu tư. Khi đặt chân đến tỉnh Tây Ninh, chúng tôi cảm thấy đây là vùng đất rất thân thiện khi công ty nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan, ban ngành địa phương. Không chỉ CCGrass Việt Nam, chúng tôi biết các nhà đầu tư khác cũng luôn được chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều trong quá trình hoạt động. Chúng tôi và nhiều doanh nghiệp hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều mong muốn gắn bó với vùng đất này.”

Khôi phục, phát triển sản xuất sau đại dịch

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, sau 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước tăng 20,1% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4,9 tỷ USD, tăng 31,4% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ cũng tăng 30% so với cùng kỳ...

Tình hình giải ngân vốn xây dựng cơ bản của tỉnh chưa đạt so kế hoạch Hội đồng Nhân dân tỉnh giao nhưng vẫn cao hơn so bình quân cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 225,6 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới 641 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 5.000 tỷ đồng.

Nhà máy sản xuất lốp ôtô của Công ty TNHH Sailun Việt Nam, Khu công nghiệp Phước Đông, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh từ nay đến cuối năm nếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng này, Tây Ninh sẽ đạt và vượt những chỉ tiêu cơ bản, quan trọng về kinh tế-xã hội của năm 2022.

Là địa phương có mật độ dân số cao nhất và quy mô kinh tế lớn thứ hai trong tỉnh, sau thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Tây Ninh đã đẩy nhanh quá trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành), cho biết từ sau đại dịch, thị trường bắt đầu tiêu thụ nhiều sản phẩm bánh tráng.

Đến thời điểm này, sản xuất đã ổn định trở lại, công ty cũng đang hoạt động với công suất tối đa mới xoay xở đủ lượng bánh tráng cung ứng ra thị trường.

Các loại sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên ngoài cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi Nhật Bản và đang xúc tiến xuất khẩu đi Mỹ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng FSSC 22000 (chứng nhận của Hiệp hội Chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các đơn vị sản xuất và chế biến thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng), với công suất sản xuất đạt 8-10 tấn thành phẩm/ngày.

Tân Nhiên cũng đã có 5 dòng sản phẩm bánh tráng trộn đạt chuẩn 3 sao OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), 1 loại bánh tráng không nước đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Đồng thời, công ty đang xây dựng loại bánh tráng không nước 5 sao, hướng tới xây dựng tất cả các loại sản phẩm bánh tráng muối đạt tiêu chuẩn OCOP.

Theo ông Đặng Khánh Duy, nhờ các sản phẩm bánh tráng gắn nhãn hiệu OCOP nên tạo tâm lý tin tưởng cho người tiêu dùng. Các đối tác cũng yên tâm khi chọn sản phẩm OCOP, giúp công ty chào hàng dễ dàng hơn.

Tại khu công nghiệp Phước Đông, Công ty Trách nhiệm hữu hạn CCGrass Việt Nam cũng gặp một số khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra.

Ông Han Zhi Cheng cho biết nhờ những chính sách phục hồi kinh tế-xã hội của địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhanh chóng ổn định trở lại.

Tỷ lệ lấp đầy Khu công nghiệp Phước Đông đạt gần 60% diện tích đất. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lãnh đạo công ty cùng đội ngũ hơn 200 công nhân đã cùng nhau đoàn kết để vượt qua những khó khăn, phấn đấu sản lượng năm 2022 đạt 32 triệu m2 thảm cỏ nhân tạo.

Hiện CCGrass là nhà sản xuất cỏ nhân tạo dành cho sân bóng đá hàng đầu và đã xây dựng hệ thống dịch vụ ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.

CCGrass đang có hơn 100 loại sân bóng đá thảm cỏ nhân tạo đã thông qua kiểm định và đều đạt chuẩn FIFA (Liên đoàn Bóng đá Thế giới); sản phẩm cỏ nhân tạo có các tính năng cao cũng được các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng sử dụng phổ biến như Chelsea FC, Olympiacos CFP.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục