Tây Ninh: Ngày càng khẳng định thương hiệu các sản phẩm OCOP

Tây Ninh hiện có 8/12 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, hầu hết mang tính đặc thù chỉ có ở địa phương, trong đó có sản phẩm đạt 5 sao là sản phẩm Bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên.
Sản phẩm bánh tráng siêu mỏng vừa được công nhận đạt OCOP 5 sao của Công ty TNHH Tân Nhiên, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ngày 24/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.

Tây Ninh hiện có 8/12 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao là sản phẩm Bánh tráng siêu mỏng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (thị xã Hòa Thành).

Đây cũng là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh; 3 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm còn lại do thiếu một số tiêu chí nên Hội đồng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, tham gia đánh giá xếp hạng những đợt tiếp theo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cuối năm 2021 Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận cho 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 26 sản phẩm, với hầu hết mang tính đặc thù và chỉ được tìm thấy ở Tây Ninh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh nhận định, chương trình OCOP bước đầu đã cho thấy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để đạt được chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng những các tiêu chí khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc sản phải gắn liền với địa phương và do doanh nghiệp hoặc người lao động tại địa phương sản xuất ra. Đồng thời, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, kết hợp phát triển du lịch.

Công nhân Công ty TNHH Tân Nhiên phân loại các sản phẩm bánh tráng siêu mỏng đạt tiêu chẩn OCOP 5 sao. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Theo Ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Nhiên, địa chỉ tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP) cho biết, ngoài các tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn của quốc tế cũng như trong nước, thì việc được chứng nhận các sản phẩm OCOP đã góp phần rất lớn trong việc tìm đầu ra cho hàng hóa sản phẩm bánh tráng của công ty; hiện dây chuyền sản xuất bánh tráng của Tân Nhiên có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất từ 8-10 tấn sản phẩm/ngày.

Các sản phẩm bánh tráng hiện được phân phối tại hầu hết các hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán lẻ trong nước, cũng như xuất khẩu đi nhiều nước.

[Tây Ninh: Khai mạc lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng]

Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Natani, tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2021, sản phẩm na Bà Đen của Natani được tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đây cũng là một trong động lực để đưa quả na Bà Đen Tây Ninh vươn xa hơn, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Đến nay, Natani đã giúp hàng trăm bà con trong vùng kết hợp cùng Natani xây dựng được vùng nguyên liệu na lớn theo quy trình VietGAP, định hướng phát triển đến quy trình truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng việc quảng bá, phân phối sản phẩm OCOP của tỉnh thời gian vừa qua vẫn duy trì được xuyên suốt thông qua các sàn thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, siêu thị, trung tâm thương mại… đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo được thị trường sâu rộng, dễ dàng kiểm soát hàng hóa.

Đây cũng là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà doanh nghiệp phải hướng đến trong tương lai.

Nông dân trồng na quanh núi Bà Đen - Tây Ninh đạt chuẩn theo quy trình an toàn sinh học. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục giúp cho các chủ cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với việc phát triển sản phẩm ra ngoài thị trường bằng các chương trình hỗ trợ về nhãn mác, hàng hoá, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất.

Đối với các sản phẩm tiềm năng muốn tham gia vào chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở, nhà sản xuất nhận biết rõ điều kiện tham gia OCOP, những lợi thế của sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở về kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu mà chương trình OCOP đề ra.

Đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 79 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 14 sản phẩm OCOP đạt 5 sao (bao gồm các sản phẩm đã được công nhận từ năm 2020).

Có ít nhất 55 chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Có ít nhất 76% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP của Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 ước tính sẽ huy động được trên 140 tỷ đồng để xây sản phẩm, điều hành hoạt động.

"Hiện, dư địa phát triển các sản phẩm OCOP của Tây Ninh còn rất lớn; các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có được là nỗ lực rất lớn của các chủ thể tham gia chương trình sản phẩm OCOP, nhằm góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ của Tây Ninh tiếp cận các thị trường lớn; là tiền đề, động lực để nâng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao và vươn tầm ra thế giới," ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục