Tây Ninh: Mê mẩn vườn dâu tằm hữu cơ thu hút khách ở miền Đông Nam Bộ

Hơn 3 năm nay, vườn dâu tằm "Ba Phong" của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vũ ở ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, được nhiều người đến để trải nghiệm và tham quan. 
Là một kỹ sư nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Vũ chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng dâu tằm hữu cơ kết hợp với du lịch. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Vườn dâu tằm hữu cơ xanh mát rộng gần 5ha của gia đình ông Nguyễn Thanh Vũ, 56 tuổi, kỹ sư nông nghiệp ở ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu đã và đang trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm độc đáo của các đoàn khách tới Tây Ninh.

Làm nông nghiệp kết hợp du lịch xanh

Hơn 3 năm nay, vườn dâu tằm "Ba Phong" của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vũ được nhiều người biết đến. Mỗi ngày, khu vườn tiếp nhiều đoàn khách đến trải nghiệm, tham quan. Ở đây, ông Vũ vừa là nông dân đồng thời là hướng dẫn viên du lịch.

Điểm ấn tượng ở khu vườn này là du khách đến trải nghiệm hái dâu, thưởng thức sản phẩm từ dâu như nước ép dâu tằm hoàn toàn miễn phí. Các đoàn khách thường chọn mua ủng hộ gia đình ông Vũ sản phẩm làm từ dâu tằm như dâu sấy, mật dâu tằm, rượu dâu, trái dâu tươi...

Ông Vũ cho biết dâu tằm được biết đến là cây dược liệu, có giá trị kinh tế, đặc biệt thân, lá, cành và cả rễ, người Việt Nam thường sử dụng làm dược liệu trong y học. Trước đây, toàn bộ 5ha đất của gia đình đều được trồng cây cao su. Nhờ vốn kinh nghiệm 15 năm chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp gắn với công việc trồng, chăm sóc khu vườn nông nghiệp hữu cơ tại Đà Lạt theo cách làm của Nhật Bản nên ông quyết định áp dụng trồng cây dâu tằm thay thế.

Trái dâu tằm được du khách hái. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Ông dành 2 năm để cải tạo đất và quyết định trồng cây theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Sau khi đất ổn định, ông bắt đầu trồng dâu tằm cùng dừa xiêm, sầu riêng và bưởi.

Ông Vũ lý giải người Nhật Bản thường chọn cách làm nông nghiệp thuận thiên, nghĩa là lấy đất làm yếu tố quyết định. Khi đất tốt tự nhiên, bền vững cây sẽ cho năng suất cao, lâu dài. Theo đó, bên trên khu vườn tán lá xanh mát, trĩu quả dâu chín đen mọng trong khi toàn bộ mặt đất khu vườn đều phủ xanh cỏ tự nhiên.

Khi cây dâu bắt đầu cho thu nhập ổn định, gia đình ông Vũ nghĩ đến kết hợp làm du lịch xanh. Ban đầu, một vài nhóm khách đến thăm quan, sau đó dần lan tỏa, nhiều đoàn khách tìm tới khu vườn. Gia đình ông Vũ niêm yết bảng giá với mức như thị trường: trái dâu tươi giá 50.000 đồng/kg, dâu ngâm 60.000 đồng/kg, dâu sấy 60.000 đồng/túi 250g… Ngoài ra, du khách được thưởng thức nước dừa tươi, bưởi da xanh, mứt từ vỏ bưởi…

So sánh bài toán kinh tế của cây dâu tằm với những loại cây trồng trước đây trên mảnh đất này, ông Vũ chia sẻ: cây dâu tằm là loài cây bản địa nên rất dễ sống, sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, đặc biệt là cho trái quanh năm. Thông qua việc ứng dụng làm nông nghiệp hữu cơ đã cho cây dâu tằm đạt năng suất trái cao hơn, chất lượng tốt hơn. Cây dâu tằm cho thu nhập ổn định suốt quanh năm, nhờ đó cuộc sống gia đình ông ổn định hơn và khá hơn trước.

Nhiều tiềm năng làm du lịch nông thôn

Dẫn đoàn khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi thăm quan, ông Võ Thanh Tùng, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh hồ hởi giới thiệu, khu vườn dâu tằm của ông Vũ nằm trong lịch trình trải nghiệm tại tỉnh Tây Ninh của nhiều đơn vị du lịch lữ hành như Saigontourist, Hương Sen Việt… Nhờ cách làm này, huyện biên giới Tân Châu đã có thêm điểm kết nối du lịch độc đáo mới trong chuyến hành trình đến Tây Ninh.

Đoàn khách tham quan tại vườn dâu tằm. (Ảnh: Giang Phương/TTXVN)

Những năm gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp độc đáo kết hợp du lịch trở thành điểm nhấn ấn tượng ở các vùng nông thôn. Từ những vườn nho, táo, dưa lưới, cà chua... đều trở thành điểm vô cùng ấn tượng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, tận dụng thế mạnh của tỉnh thuần nông, Tây Ninh triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Qua đó, hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Mục tiêu của Tây Ninh đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Tỉnh phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Ngoài ra, Tây Ninh hướng đến mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục