Tây Ninh hoàn thành sớm chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2022

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết Tây Ninh hiện có mức thu ngân sách tăng hơn 17% so với các chỉ tiêu đã đề ra, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Tây Ninh hoàn thành sớm chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2022 ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 của Tây Ninh ước đạt khoảng 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao.

Tính đến cuối tháng 10/2022, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch 18/19 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh năm 2022.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD (kế hoạch năm 2022 là 3.500 USD).

Ông Phạm Lưu Nhạn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, nền kinh tế ở Tây Ninh sau đại dịch COVID-19 tiếp tục khởi sắc và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả. Tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát huy hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng sản lượng. Một số ít sản phẩm duy trì hoặc giảm so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 19,7% so với kế hoạch, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ đã được khôi phục, thị trường hàng hóa phục vụ đời sống người dân ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ.

Đồng tình với những đánh giá về kết quả thực hiện kinh tế-xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cho biết, hiện cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố của Tây Ninh đều có mức thu ngân sách vượt so với kế hoạch đề ra.

Cao nhất là huyện Gò Dầu vượt hơn 100% dự toán, vươn lên từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 về thu ngân ngân sách nhà nước trong tỉnh, chỉ sau thành phố Tây Ninh. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cũng cho biết, Tây Ninh hiện có mức thu ngân sách tăng hơn 17% so với các chỉ tiêu đã đề ra, cao hơn mức bình quân của cả nước; giải ngân vốn đầu tư công cũng là một điểm sáng với tỷ lệ khá cao.

Từ quý 1 năm 2022 đến nay, tỉnh liên tục vào top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn. 

Tính đến ngày 31/10, Tây Ninh đã giải ngân trên 3.076 tỷ đồng, đạt 78,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 68,58% kế hoạch Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Tây Ninh đứng thứ 7 trong nhóm 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước.

Ước giải ngân đến hết ngày 31/01/2023 là trên 4.368 tỷ đồng, đạt 96,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 97,36% kế hoạch Hội đồng Nhân dân tỉnh giao.

[Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đều tái đắc cử]

Theo kế hoạch trong năm 2022, tỉnh sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 61/71 xã; trong đó, 100% xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 16/61 xã (26,2%), 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, theo tiến độ thì năm 2022 sẽ là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh đạt trọn vẹn 19/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó có 9/9 chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch; cũng là năm đầu tiên tỉnh và 9/9 huyện, thị xã, thành phố thu ngân sách hoàn thành kế hoạch thu trước thời hạn với kết quả thu cao; thương mại dịch vụ khởi sắc, đặc biệt là du lịch ước đạt trên 4,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch lần đầu tiên đạt trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh dù có nhiều bước tiến trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022, nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp FDI; cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, chưa đạt được kết quả như mong muốn; triển khai một số dự án trọng điểm so tiến độ còn chậm; nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả; một số đột phá chiến lược về nông nghiệp, cải cách hành chính còn có mặt hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công tuy đạt được tỷ lệ cao nhưng vẫn chưa đạt 100%; chuyển đổi số chưa có tính đột phá mạnh và chưa toàn diện.

Tây Ninh hoàn thành sớm chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2022 ảnh 2Đại biểu biểu quyết thông qua 34 nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó, dịch COVID-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế và đời sống người dân nên cần có thời gian để hồi phục; lạm phát tăng cao nhất là vật tư, nguyên liệu đầu vào; một số chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng có nội dung còn chưa tương thích dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật; khó khăn vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng đôi lúc còn chậm, chưa được tháo gỡ kịp thời; một bộ phận cán bộ quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở chưa thật sự quyết liệt trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chính trị…

Theo kế hoạch thu ngân sách năm 2023, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 11.000 tỷ đồng, giảm 0,3% so với ước thực hiện năm 2022 và tăng 9,8% so dự toán năm 2022, tăng 650 tỷ đồng so số dự toán Trung ương giao.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cũng cho biết, tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các mục tiêu ngay từ những ngày đầu năm 2023, với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất.

Đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới và khôi phục phát triển kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chiến lược đột phá, tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các dự án trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát… tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các thành phần kinh tế, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về đất đai để bổ sung nguồn thu cho ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục