Tây Nguyên tạo việc làm cho gần 57.000 lao động

Từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên tạo việc làm mới cho 56.952 lao động, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc ở nông thôn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tạo việc làm mới cho 56.952 lao động, trong đó chủ yếu là cho đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn.

Trong đó, 55.542 người được tạo việc làm mới từ các chương trình phát triển kinh tế, 1.410 người đi xuất khẩu lao động.

Tỉnh Lâm Đồng là địa phương tạo việc làm mới cho lao động ở vùng nông thôn nhiều nhất, với trên 17.800 người.

Các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập mới hàng loạt các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, lâm nghiệp…,thu hút phần lớn lao động tại địa phương vào làm công nhân.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng phê duyệt hàng ngàn dự án vay vốn tạo việc làm, với tổng số tiền vay lên đến hàng trăm tỷ đồng để tạo việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, có cơ chế đầu tư, tạo điều kiện xây dựng, mở rộng các cơ sở dạy nghề.

Ngoài chính sách chung do Trung ương ban hành, các tỉnh Tây Nguyên còn chủ động ban hành những quy định đặc thù và bố trí từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên học ở trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên với mức 200.000 đồng/ tháng/người. Tỉnh Đắk Nông hỗ trợ kinh phí đào tạo từ 200.000- 350.000 đồng/tháng/ người tùy theo dân tộc, trình độ đào tạo.

Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 35.600 lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, chủ yếu là học hệ sơ cấp nghề và học nghề trực tiếp tại các cơ sở sản xuất.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khoảng 60%-70% số lao động sau học nghề đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, hiệu quả cao hơn.

Nhiều lao động học nghề nông nghiệp đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một bộ phận lao động ở nông thôn sau học nghề có việc làm ổn định ở những cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần tăng thu nhập./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục