Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên còn 784 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, giảm 726 cơ sở chế biến gỗ so với năm 2011.
Trong số đó, tỉnh Đắk Lắk giảm nhiều nhất, từ 522 cơ sở xuống chỉ còn 68 cơ sở, tỉnh Kon Tum còn 63 cơ sở…, góp phần giảm số vi phạm tài nguyên rừng trên địa bàn.
Các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn và thông qua đó, kiên quyết đình chỉ hoạt động, đóng cửa ngay các cơ sở chế biến gỗ trong rừng, gần rừng, mua bán, xuất nhập hóa đơn chứng từ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh, không có nguồn nguyên liệu ổn định…
Tỉnh Đắk Lắk đã có chính sách hỗ trợ, di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến lâm sản phát triển ổn định, bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép.
Tuy nhiên, cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên, công tác quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ tại một số địa bàn vẫn còn thiếu chặt chẽ, việc rà soát các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ vẫn còn chậm, chưa được quan tâm, báo cáo cụ thể.
Tại một số cơ sở cưa xẻ chế biến gỗ trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là tại các “điểm nóng” về phá rừng như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo (Đắk Lắk), Cư Jút, Đắk Min (Đắk Nông), Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai)…, vẫn còn tình trạng hợp thức hóa gỗ bất hợp pháp, có biểu hiện gian lận hồ sơ, làm hồ sơ giả để vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái pháp luật.
Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ ở các tỉnh Tây Nguyên còn sử dụng gỗ tuy có nguồn gốc giấy tờ lâm sản hợp pháp nhưng đã hư hỏng, mục nát (đúng ra phải thanh lý, hủy bỏ).
Họ giữ số gỗ đó để rồi lén lút mua gỗ trôi nổi đưa vào hợp thức hóa giấy tờ tiêu thụ, hoặc các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ không tự khấu trừ, hủy bỏ khối lượng gỗ tồn trên hồ sơ, chứng từ lâm sản…
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục rà soát các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, thực hiện các biện pháp thống kê, thường xuyên kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc gỗ đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, chấm dứt ngay tình trạng quay vòng hóa đơn bán hàng lâm sản.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đề nghị các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên xử lý nghiêm các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ cố tình lợi dụng, hợp thức hóa gỗ bất hợp pháp để vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật./.