Tây Nguyên đặt mục tiêu đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn càphê

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê ở các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung nguồn lực để chăm sóc càphê, phấn đấu đạt từ 1,3 triệu tấn càphê nhân trở lên trong niên vụ này.
Tây Nguyên đặt mục tiêu đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn càphê ảnh 1Hoa càphê thơm nồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có mưa lớn, đất đủ ẩm. Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê đã tập trung nguồn lực mua vật tư phân bón ra đồng chăm sóc càphê nhằm phấn đấu niên vụ này đạt từ 1,3 triệu tấn càphê nhân trở lên.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, bón phân vào đầu mùa mưa không những cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tạo cho khung, cành càphê phát triển khỏe mạnh cho năng suất ổn định cho các niên vụ sau mà còn tạo điều kiện cho quả càphê tăng nhanh về kích thước nhân to, hạn chế rụng quả.

[Ngợp giữa bạt ngàn hoa càphê trắng trời Tây Nguyên]

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khuyến cáo, hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê thực hiện bón phân theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại phân, liều lượng, đúng phương pháp, đúng thời điểm, nhất là ngay đầu mùa mưa, chú trọng bón cân đối phân đạm, lân, kali để giúp cho cây càphê, quả, nhân phát triển tốt.

Các đơn vị chức năng cũng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sử dụng các loại phân chuyên dụng bón với liều lượng từ 500-750 kg/ha.

Khi bón, cào lớp lá xung quanh hố, bón phân rải quanh lớp tán lá rồi cào nhẹ lớp lá phủ lên bề mặt nhằm hạn chế thất thoát phân bón.

Cùng với việc bón phân, các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê ở Tây Nguyên cũng đã tổ chức tỉa cành, tạo hình, cắt bỏ chồi vượt, chồi tăm của cây càphê nhằm tập trung dinh dưỡng để nuôi cành, nuôi quả cho năng suất cao; đồng thời, rong tỉa cây che bóng tạo thông thoáng trong vườn càphê, hạn chế sâu bệnh hại, tạo điều kiện tốt cho cây càphê quang hợp.

Các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… còn thường xuyên theo dõi, kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại có biện pháp khoanh vùng xử lý, không để lây lan.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích càphê gần 583.000ha; trong đó, diện tích càphê cho thu hoạch 548.533ha, diện tích càphê còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích càphê nhiều nhất, với trên 202.000ha; trong đó, diện tích càphê cho thu hoạch 193.238ha, kế đến là tỉnh Lâm Đồng có diện tích gần 161.000ha, trong đó diện tích càphê kinh doanh cho thu hoạch gần 150.000 ha…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục