Tây Ban Nha ủng hộ Bulgaria gia nhập khu vực Schengen

Tây Ban Nha tuyên bố Bulgaria đã sẵn sàng và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Tây Ban Nha trong tiến trình gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen với tư cách là thành viên đầy đủ.
Tây Ban Nha ủng hộ Bulgaria gia nhập khu vực Schengen ảnh 1(Nguồn: USE)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande-Marlaska ngày 30/3 tuyên bố Bulgaria đã sẵn sàng và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Tây Ban Nha trong tiến trình gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen với tư cách là thành viên đầy đủ.

Phát biểu tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Bulgaria Ivan Demerdzhiev tại Sofia, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha ghi nhận sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh, đồng thời đề cập những ưu tiên của Madrid trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) sắp tới.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Bulgaria khẳng định sự ủng hộ của Sofia dành cho những ưu tiên của Tây Ban Nha trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU, bắt đầu từ ngày 1/7/2023.

[Các sân bay Croatia bắt đầu áp dụng quy định của khu vực Schengen]

Ông Demerdzhiev cho biết hai bên cũng đã thảo luận về các bước cần thiết để Bulgaria gia nhập khu vực Schengen thông qua đối thoại với Hà Lan và Áo.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi đưa Bulgaria, Croatia và Romania vào khu vực miễn thị thực Schengen, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại giữa 3 quốc gia này và hầu hết các nước châu Âu.

Khu vực Schengen - được thiết lập từ năm 1985 để cho phép 420 triệu người dân của các nước tham gia được đi lại tự do - hiện có 27 thành viên, trải dài từ Iceland đến Hy Lạp, sau khi Croatia chính thức gia nhập từ ngày 1/1/2023.

Bulgaria và Romania đã hoàn tất quá trình đánh giá gia nhập Schengen vào năm 2011, song Hội đồng châu Âu vẫn trì hoãn quyết định tiếp nhận suốt hơn 11 năm qua. Croatia trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013, trong khi Bulgaria và Romania đã gia nhập khối từ năm 2007. 

Schengen bao gồm tất cả các quốc gia thành viên còn lại của EU, ngoại trừ Cộng hòa Síp và Ireland. Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ không phải thành viên EU nhưng cũng tham gia Schengen.

Các quốc gia xin gia nhập Schengen được yêu cầu phải chứng minh rằng họ có những biện pháp kiểm soát hiệu quả tại biên giới với các nước không thuộc khu vực Schengen, và phải ưu tiên chống tội phạm xuyên biên giới, sẵn sàng chia sẻ thông tin và có hệ thống xử lý yêu cầu từ những người xin tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục