Tây Ban Nha tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga

Chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi các công ty năng lượng giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, quốc gia hồi tháng trước đã thay thế Algeria trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ hai của Tây Ban Nha.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi các công ty năng lượng giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, quốc gia hồi tháng trước đã thay thế Algeria trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ hai của Tây Ban Nha.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các hàng tuần, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera bày tỏ mong muốn các thương nhân tìm cách giảm thiểu nhập khẩu khí đốt của Nga “càng nhiều càng tốt.”

Không giống như dầu mỏ, khí đốt của Nga không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng Hai năm nay.

Tuy vậy, bà Ribeca vẫn khuyến nghị nên tìm kiếm các giải pháp thay thế khi đốt của Nga.

Bình luận của bà Ribeca được đưa ra sau khi nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Tây Ban Nha Enagas cho biết hồi cuối tuần trước rằng Nga đã vượt Algeria để trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ hai của Tây Ban Nha, chiếm 24,4% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này trong tháng Sáu.

[Séc và Đức thỏa thuận hỗ trợ nhau khi nguồn cung cấp khí đốt bị ngắt]

Lượng nhập khẩu khí đốt từ Algeria, vốn từ lâu là nhà cung cấp khi đốt hàng đầu của Tây Ban Nha, hiện đang chiếm 21,6% lượng khí đốt của nước này.

Sự sụt giảm dòng khí đốt từ Algeria diễn ra sau khi Tây Ban Nha vào hồi tháng Ba vừa qua đã đảo ngược lập trường trung lập kéo dài hàng thập kỷ về cuộc xung đột Tây Sahara, nói rằng họ sẽ ủng hộ kế hoạch tự trị của Maroc đối với khu vực tranh chấp để chấm dứt căng thẳng ngoại giao kéo dài.

Động thái này được nhiều người coi là một chiến thắng đối với Maroc, khiến đối thủ trong khu vực là Algeria không hài lòng.

Ngày 8/6, Algeria đã đình chỉ hiệp ước hữu nghị năm 2002 với Tây Ban Nha và Hiệp hội ngân hàng của nước này, sau đó kêu gọi các thành viên hạn chế quan hệ kinh doanh với Tây Ban Nha.

Bà Ribera cho biết, việc mua khí đốt của Nga được thực hiện vào tháng 6/2022 "có thể" liên quan đến các thỏa thuận thương mại được thực hiện trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các công ty Tây Ban Nha nỗ lực để "đa dạng hóa hợp đồng năng lượng của họ."

Mỹ vẫn đang là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Tây Ban Nha trong tháng 6/2022, với 29,6% thị phần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục