Tiến gần vết xe đổ

Tây Ban Nha tiến gần hơn tới "vết xe đổ" của Hy Lạp

Dòng vốn chảy mạnh ra ngoài và thâm hụt ngân sách tăng cao đang đẩy Tây Ban Nha tiến sát đến việc xin cứu trợ tài chính đầy đủ.
Dòng vốn chảy mạnh ra ngoài và thâm hụt ngân sách tăng cao hơn đang là hai sức ép lớn đẩy Tây Ban Nha tiến gần hơn tới "vết xe đổ" phải xin cứu trợ tài chính đầy đủ từ bên ngoài, một bước đi mà Madrid vẫn luôn cố tránh.

Trong tháng Năm, dòng vốn chảy ra khỏi Tây Ban Nha đã lên tới 41,3 tỷ euro (50,6 tỷ USD), trong bối cảnh gói cứu trợ của chính phủ dành cho một trong những ngân hàng lớn nhất nước này đã làm tổn hại lòng tin của giới đầu tư.

Trong giai đoạn từ tháng 1-5/2012, khoảng 163 tỷ euro (tương đương 16% GDP) đã chảy khỏi Tây Ban Nha, chủ yếu do các ngân hàng trong nước gửi tiền ra nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền mặt và các nhà đầu tư không cư trú bán tài sản trong nước.

Tây Ban Nha đang ở trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và nước này có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường cho vay quốc tế. Kể từ cuộc khủng hoảng bắt đầu cách đây 4 năm, nhu cầu nội địa tại Tây Ban Nha đã giảm sút và tác động tiêu cực đến lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp 70% GDP cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp cao cũng làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Các nhà kinh tế nhận định tại thời điểm hiện nay không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Tây Ban Nha sẽ có sự cải thiện trong trung hạn. Thậm chí, "xứ sở bò tót" dự kiến sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm tới.

Với nguồn thu từ thuế giảm mạnh, do suy thoái kinh tế, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 4% GDP trong nửa đầu năm nay, cao hơn so với mục tiêu 3,5% đề ra cho cả năm.

Tháng Sáu vừa qua, Madrid đã phải yêu cầu sự trợ giúp từ châu Âu để tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn của nước này. Sang tháng Bảy, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo về một chương trình khắc khổ nhằm tiết kiệm 65 tỷ euro.

Song những động thái của giới chức Tây Ban Nha đã thất bại trong việc làm yên lòng giới đầu tư và những số liệu "ảm đạm" gần đây càng gây sức ép lớn lên lãi suất trái phiếu của Madrid. Vấn đề này đang làm những nỗ lực không cần đến một gói cứu trợ từ bên ngoài của Chính phủ Tây Ban Nha trở nên "mong manh" hơn.

Guillaume Menuet, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Citigroup, có trụ sở tại London, cho rằng Tây Ban Nha cần nhiều thời gian hơn để tái cân bằng nền kinh tế và đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục