Tây Ban Nha: Phá vụ buôn lậu 5.000 tấn rác thải điện tử sang châu Phi

Theo Bộ Tài chính Tây Ban Nha, cảnh sát đã bắt giữ 43 đối tượng bị tình nghi vận chuyển trái phép 331 container chứa đồ điện tử đã qua sử dụng đến châu Phi trong hai năm qua.
Rác thải điện tử. (Nguồn: Scholarblogs)

Giới chức Tây Ban Nha ngày 3/1 cho biết lực lượng cảnh sát nước này đã triệt phá một nhóm tội phạm buôn lậu hơn 5.000 tấn rác thải điện tử độc hại từ Quần đảo Canary của Tây Ban Nha đến một số quốc gia châu Phi.

Trong tuyên bố, Bộ Tài chính Tây Ban Nha cho biết cảnh sát đã bắt giữ 43 đối tượng bị tình nghi vận chuyển trái phép 331 container chứa đồ điện tử đã qua sử dụng đến châu Phi trong hai năm qua.

Mạng lưới này bị cáo buộc làm giả chứng từ hải quan kê khai các container chứa hàng điện tử đã qua sử dụng, nhưng thực chất là rác thải điện tử trong đường dây buôn lậu với lượng hàng hóa trị giá hơn 1,5 triệu euro (1,59 triệu USD).

Hầu hết rác thải điện tử được chuyển đến các nước Ghana, Mauritania, Nigeria và Senegal.

[Tái chế rác thải điện tử đóng vai trò quan trọng với an ninh châu Âu]

Mỗi năm có hàng triệu tấn thiết bị phế thải từ khắp nơi trên thế giới được vận chuyển trái phép sang châu Phi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Loại rác thải này thường được đốt cháy để chiết xuất các khoáng sản như nhôm và đồng có thể mang lại giá trị cao khi bán lại.

Tuy nhiên, các thiết bị điện tử và phụ tùng ô tô có thể chứa cadmium, thủy ngân, chì, thạch tín và các chất khác có thể gây hại cho môi trường hoặc sức khỏe con người nếu không được xử lý đúng cách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục