Tây Ban Nha nhấn mạnh nghĩa vụ thành viên EU với việc gây quỹ phục hồi

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nêu rõ tất cả các quốc gia liên quan sẽ góp phần hoàn trả khoản nợ, kể cả đối với những quốc gia thuộc phía Bắc EU vốn được cho là có các chính sách rất căn cơ.
Tây Ban Nha nhấn mạnh nghĩa vụ thành viên EU với việc gây quỹ phục hồi ảnh 1Bà Arancha Gonzalez Laya. (Nguồn: urdupoint.com)

Những khoản vay chung của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhằm gây dựng một quỹ hỗ trợ phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là nghĩa vụ chứ không phải là một hành động từ thiện, đó là khẳng định của Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh quan trọng về vấn đề này trong hai ngày 17 và 18/7 tới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh RTBF của Bỉ, Ngoại trưởng Tây Ban Nha nêu rõ tất cả các quốc gia liên quan sẽ góp phần hoàn trả khoản nợ, kể cả đối với những quốc gia thuộc phía Bắc EU vốn được cho là có các chính sách rất căn cơ.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh: "Điều này không giống như việc Hà Lan đang làm từ thiện đối với Tây Ban Nha hoặc Pháp, mỗi quốc gia sẽ có một phần nợ tỷ lệ thuận với quy mô kinh tế của chính quốc gia ấy. Ví dụ như Đức sẽ đóng góp 20%, Tây Ban Nha 9% và Hà Lan 6%."

[EU: Bộ tứ tằn tiện tỏ ra mềm mỏng hơn với quỹ phục hồi hậu COVID-19]

Theo kế hoạch, lãnh đạo 27 nước EU sẽ nhóm họp vào cuối tuần này để thảo luận về ngân sách EU trong giai đoạn 7 năm tới (từ năm 2021-2027) trị giá 1.074 nghìn tỷ euro.

Tại cuộc họp này, EU cũng sẽ thành lập một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (tương đương 849,45 tỷ USD) được xây dựng từ những khoản nợ chung, trong đó 2/3 tiền quỹ sẽ được chuyển các nước thành viên dưới dạng trợ cấp và 1/3 dưới dạng các khoản cho vay.

Đại dịch COVID-19 là thách thức lớn mới nhất đối với 27 quốc gia thành viên EU sau khi khối phải vất vả chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ cách đây một thập kỷ, hay cuộc khủng hoảng nhập cư quy mô lớn, và những tổn thương liên quan đến Brexit.

Các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến vấn đề ngân sách luôn là những cuộc tranh luận căng thẳng nhất, và các cuộc thảo luận lần này còn quan trọng và phức tạp hơn vì các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận về quỹ phục hồi, vốn gây tranh cãi thời gian gần đây.

Hội nghị lần này sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì kể từ khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được dỡ bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục