Ngày 27/9, lãnh đạo chính quyền vùng Catalonia, ông Artur Mas đã chính thức kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của khu vực này vào ngày 9/11 tới để tách khỏi Tây Ban Nha. Động thái trên diễn ra bất chấp các tuyên bố của Madrid kiến quyết phản đối kế hoạch này.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp hủy bỏ sắc lệnh về cuộc trưng cầu dân ý của vùng Catalonia mà ông Artur Mas đã ký thông qua hôm 19/9 vừa qua. Dự kiến, nội các Tây Ban Nha sẽ nhóm họp vào ngày 29/9.
Trước đó, ngày 11/9, dường như được khích lệ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland về việc tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh, có tới 1,8 triệu người đã biểu tình tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha để yêu cầu chính phủ cho phép tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý về độc lập của vùng.
Phát biểu trong buổi lễ tại Dinh Generalitat ở Barcelona sau khi ký sắc lệnh kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý, ông Artur Mas cam kết sẽ tuân thủ luật pháp Tây Ban Nha, song cũng không quên cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc bầu cử địa phương trước thời hạn nếu chính phủ Tây Ban Nha ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý.
Với dân số lớn hơn Đan Mạch và quy mô kinh tế tương đương Bồ Đào Nha, Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất, tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.
Khu vực tự trị này hiện có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng. Bất bình vì phải đóng thuế để phân bổ ngân sách cho các vùng khác, ngày càng nhiều trong số 7,5 triệu dân Catalonia đòi tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập và chính quyền Catalonia đã ấp ủ kế hoạch này từ lâu.
Để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý, hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã có cuộc đàm phán với ông Artur Mas, trong đó người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha kiên quyết bảo vệ sự thống nhất đất nước và phản đối việc tiến hành trưng cầu dân ý.
Trước đó 4 tháng, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cũng đã ra phán quyết khẳng định cuộc trưng cầu dân ý mà khu vực Catalonia lên kế hoạch tổ chức nhằm tách khỏi Tây Ban Nha là "vi hiến và vô giá trị."
Trong tuyên bố bằng văn bản, các thẩm phán khẳng định theo Hiến pháp Tây Ban Nha, một khu vực của nước này không thể đơn phương kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của mình. Ngoài ra, mọi "quyền được quyết định" của Catalonia phải tuân thủ Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha.
Mặc dù vậy, ông Artur Mas vẫn tuyên bố sẽ tìm kiếm các khuôn khổ pháp lý cho phép tiến hành trưng cầu ý dân, đồng thời nhấn mạnh rằng quy chế tự trị mà Catalonia được hưởng từ năm 2006 theo quyết định của Quốc hội Tây Ban Nha cho phép vùng này tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý./.